Đây là những vũ khí hiện đại mà nhà thầu Raytheon phát triển để tăng cường uy lực và khả năng tác chiến cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35.
Tiêm kích F-35 phóng thử thành công tên lửa ARMAAM. Ảnh: USAF |
Sau khi tham gia phát triển máy bay thế hệ 5 F-35 ngay từ những ngày đầu, nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon mới đây đã liệt kê danh sách những "vũ khí khủng" sẽ được trang bị cho siêu tiêm kích này để đánh bại các mối đe dọa mới phát sinh, theo Defenseworld.
Tên lửa AIM-9X Sidewinder
AIM-9X Sidewinder là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Đây là loại tên lửa tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại, có thể tự hiệu chỉnh trong lúc bay nhờ dữ liệu cung cấp từ máy bay, giúp tăng đáng kể độ chính xác trong tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa AIM-9X do hãng Raytheon sản xuất, có tầm bắn tối đa 35,4 km, được sử dụng trong không quân 40 nước, chủ yếu là các thành viên của NATO.
AIM-9X Sidewinder là tên lửa không đối không đầu tiên được trang bị cho F-35. Không quân, hải quân Mỹ và nhà thầu Raytheon đã bắn thử nghiệm thành công một tên lửa AIM-9X Block I diệt mục tiêu trên không từ một chiếc tiêm kích F-35A.
Chiến đấu cơ F-35 có thể mang theo hai tên lửa AIM-9X trên đôi cánh và 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM trong khoang vũ khí. Raytheon đang tiếp tục bắn thử nghiệm và tích hợp tên lửa AIM-9X để trang bị cho phi đội F-35 vào năm tới.
Tên lửa Không đối không Tầm trung Hiện đại (ARMAAM)
Tên lửa ARMAAM là vũ khí làm chủ bầu trời tối tân với hơn 25 năm thiết kế, sản xuất và hơn 3900 lần bắn thử nghiệm.
Độ linh hoạt của tên lửa AMRAAM đã được kiểm chứng trong nhiều tình huống tác chiến thực tế như không đối không và phóng từ mặt đất. Cơ chế dẫn đường chủ động của tên lửa này giúp tăng tính linh hoạt và uy lực của các chiến đấu cơ khi không chiến.
Đã có hơn 30 tên lửa ARMAAM khai hỏa từ ba biến thể của tiêm kích F-35 kể từ khi bắt đầu bắn thử nghiệm từ năm 2013. Đây cũng là loại tên lửa không đối không duy nhất chắc chắn sẽ được triển khai trên F-35.
Video F-35 bắn thử nghiệm thành công tên lửa ARMAAM
Năm ngoái, tên lửa AMRAAM đã được tích hợp và vận hành trên tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ. Tên lửa AMRAAM sẽ là vũ khí chủ lực trên chiến đấu cơ F-35A mới nhất của không quân Mỹ, dự kiến được vận hành vào năm sau.
Tên lửa Tấn công Hỗn hợp (JSM)
JSM là tên lửa diệt hạm tầm xa được thiết kế để tấn công các mục tiêu giá trị cao, được bảo vệ dày đặc, giúp máy bay và phi công tránh được nguy hiểm nhờ tầm bắn xa.
JSM có thể nhận dạng và tấn công mục tiêu tự động thông qua đầu dò ảnh hồng ngoại. Đây cũng là tên lửa hành trình thế hệ 5 duy nhất được tích hợp cho tiêm kích F-35 cũng như có thể được trang bị cho các máy bay khác để sử dụng trong tác chiến tấn công đối hải.
Việc tích hợp tên lửa JSM bên trong khoang chứa vũ khí giúp F-35 tăng cường khả năng tàng hình. Tên lửa JSM hiện được trang bị chủ yếu cho các biến thể F-35A và F-35C.
Bom liệng JSOW
Bom JSOW C-1 có thể tự chuyển hướng trong khi bay. Ảnh: USAF |
JSOW là bom thông minh sử dụng hệ dẫn quán tính kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và một đầu dò ảnh hồng ngoại ở giai đoạn cuối hành trình để tìm kiếm và tấn công mục tiêu.
Trước đây, bom JSOW thường được sử dụng trên các chiến đấu cơ để tấn công mục tiêu trên mặt đất. Quân đội Mỹ đang nâng cấp bom JSOW C thành biến thể mới có tên gọi JSOW C-1 chuyên tấn công mục tiêu trên biển.
Công nghệ mới sẽ giúp JSOW C-1 sử dụng gói liên kết dữ liệu Link-16 để xác định và tiêu diệt các mục tiêu đang di chuyển trên biển từ khoảng cách xa tới 112 km.
Ngoài khả năng nổ xuyên phá đầy uy lực, bom JSOW C-1 còn có thể tự hiệu chỉnh đường bay nếu mục tiêu di chuyển nhanh hoặc chuyển hướng. Tuy các thông tin chi tiết không được công khai nhưng cả hai biến thể bom JSOW đều được thiết kế với công nghệ "duy trì khả năng sống sót" cao giúp nó khó bị bắn hạ.
JSOW là vũ khí phóng từ trên không có khả năng kết nối mạng đầu tiên của hải quân Mỹ, và nó đang được tích hợp vào khoang chứa vũ khí trong thân tiêm kích F-35. Việc tích hợp bom JSOW trên giá treo vũ khí của biến thể F-35B cũng đã được lên kế hoạch.
Bom dẫn đường laser Paveway II
Dòng bom dẫn đường laser Paveway đã thực hiện cuộc cách mạng trong tác chiến không đối đất cấp chiến thuật nhờ chuyển đổi bom không thông minh thành các vũ khí dẫn đường chính xác. Đây là loại bom đã được thử lửa trong các cuộc xung đột lớn và đã chứng tỏ được hiệu quả. Bom này chiếm hơn một nửa số vũ khí không đối đất dẫn đường chính xác được sử dụng trong cuộc tấn công Iraq năm 1991.
Phiên bản nâng cấp bom Paveway II dẫn đường theo cơ chế kép (hệ dẫn GPS và laser) của Raytheon là một loại vũ khí dẫn đường chính xác giúp tăng uy lực cho tiêm kích F-35. Vũ khí này sẽ được sử dụng để đối phó với các mục tiêu di động nhờ sự kết hợp độ chính xác và tính linh hoạt của các vũ khí dẫn đường laser truyền thống với tính năng dẫn đường GPS trong mọi điều kiện thời tiết.
Bom Đường kính nhỏ SDB II
Thời tiết xấu và những yếu tố cản trở tầm nhìn trên chiến trường tiếp tục khiến các chiến đấu cơ gặp nguy hiểm bởi đối thủ có thể tận dụng các điều kiện này để né đòn tấn công. Bom Đường kính nhỏ SDB II của Raytheon là một giải pháp giúp chiến đấu cơ khắc phục nhược điểm đó.
Bom SDB II có thể được sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh minh họa: Raytheon |
Được trang bị đầu dò ba cơ chế khác nhau giúp tối đa hóa sự linh hoạt trong tác chiến gồm radar sóng mm, thiết bị nhận diện mục tiêu dò ảnh hồng ngoại và radar bán chủ động, bom SDB II có thể được sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và tầm nhìn hạn chế.
Bom SDB II có thể bay hơn 72 km để tấn công các mục tiêu di động, giúp rút ngắn thời gian máy bay lộ diện và gặp nguy hiểm.
Khi được tích hợp đầy đủ vào năm 2022, tiêm kích F-35 sẽ có thể mang theo 8 quả bom SDB II trong khoang vũ khí và 16 quả khác bên ngoài trên các giá treo. Đây là giải pháp giúp F-35 tấn công mục tiêu đang di chuyển trong thời tiết xấu trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình vì bom được lắp đặt bên trong thân máy bay.
Xem thêm: Tướng Mỹ: 'Sức mạnh F-35 sẽ khiến đối phương chùn bước'
Duy Sơn
F-35, tiêm kích tàng hình, bom dẫn đường, tên lửa không đối không