Thế giới

Chiến thuật thời trung cổ Iraq dùng để chặn IS đánh bom tự sát

Tuyến hào rộng hơn chục mét được kỳ vọng là phòng tuyến ngăn cản những chiếc xe bom của IS tấn công vào lực lượng an ninh bảo vệ thành phố Fallujah, Iraq.

chien-thuat-thoi-trung-co-iraq-dung-de-chan-is-danh-bom-tu-sat

Tuyến hào được đào ở phía bắc thành phố Fallujah. Ảnh: WP

Sau chiến dịch quân sự tái chiếm thành phố Fallujah từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng trước, quân đội Iraq đang phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn cản vị trí chiến lược này tiếp tục rơi vào vòng kiểm soát của phiến quân, theo AP.

Một trong những chiến thuật phòng thủ có từ thời trung cổ mà quân đội Iraq đang áp dụng để chống lại các cuộc tấn công bằng xe bom của IS là đào một tuyến hào khổng lồ bao quanh thành phố. Mục đích của chiến thuật này là biến Fallujah thành một nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", chỉ có một đường ra vào duy nhất.

Sau khi Fallujah được giải phóng, người dân Iraq chạy loạn từ khắp nơi bắt đầu lục tục trở về nhà để tái thiết thành phố. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro rất lớn cho lực lượng an ninh bảo vệ thành phố, bởi IS có thể trà trộn vào dòng người và xe cộ trở về đó, thực hiện các vụ đánh bom tự sát kinh hoàng, gây ra thương vong cực lớn cho dân thường và quân đội Iraq.

Hình thức đánh bom xe tự sát đang được IS áp dụng ngày càng nhiều, trong bối cảnh phiến quân vừa phải hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp và đang mất dần vùng kiểm soát. Những chiếc xe bọc thép Humvee chất đầy thuốc nổ của IS gần như không thể ngăn chặn bằng các loại vũ khí thông thường, và từ lâu đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với các binh sĩ Iraq.

Việc đào tuyến hào lớn bao quanh thành phố sẽ khiến những người trở về chỉ còn một lối duy nhất để vào Fallujah, giúp cho lực lượng an ninh có thể kiểm soát dễ dàng các mối đe dọa, trung tướng Abdul Wahab al-Saadi, phó tư lệnh lực lượng chống khủng bố Iraq, cho biết.

Tuyến hào này rộng khoảng 12,5 mét, sâu 1,5 mét, kéo dài 11 km xung quanh thành phố, nhằm "bảo vệ người dân vốn đã trải qua quá nhiều thảm kịch, cùng lực lượng an ninh bên trong", tướng al-Saadi nói.

Các máy xúc đã được huy động để đào nhánh hào đầu tiên dài 6 km chạy dọc hướng bắc và tây bắc của thành phố. Nhánh hào thứ hai dài 5 km ở phía nam và đông nam Fallujah sẽ sớm được đào.

Phía tây Fallujah là dòng sông Euphrates, tạo thành một hàng rào tự nhiên bảo vệ thành phố. Phía đông là tuyến cao tốc dẫn tới thủ đô Baghdad, và đây là tuyến đường duy nhất ra vào thành phố được bảo vệ và tuần tra chặt chẽ.

Hai nhánh hào trên được đào trên địa hình bằng phẳng, hoang vu, vốn được phiến quân IS sử dụng trong các chiến dịch quân sự trước đây. Nếu không có tuyến hào này, IS có thể dễ dàng phát động các cuộc tấn công vào thành phố từ nhiều hướng khác nhau.

Chiến thuật đào hầm hào, công sự, đắp tường thành có từ thời trung cổ, khi các đạo quân tìm cách tấn công thành trì của nhau. Chiến thuật này cũng đã được người Iraq áp dụng từ khi Mỹ bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Trong cuộc chiến đó, ông Saddam đã cho binh lính đào hào xung quanh thủ đô Baghdad, đổ đầy dầu vào bên trong và châm lửa đốt, tạo thành màn khói đen dày đặc để che mắt chiến đấu cơ Mỹ.

chien-thuat-thoi-trung-co-iraq-dung-de-chan-is-danh-bom-tu-sat-1

Thành phốFallujah ở phía tây thủ đô Baghdad của Iraq. Đồ họa: RFERL

Ngoài chiến thuật đào hào, quân đội Iraq tiếp quản thành phố Fallujah còn áp dụng nhiều phương pháp an ninh hiện đại khác để loại trừ mối đe dọa đến từ IS. Toàn bộ dữ liệu nhân thân của khoảng 85.000 cư dân chạy trốn khỏi thành phố trong các cuộc giao tranh hai tháng trước sẽ được lưu trữ trong máy tính, và chứng minh thư chống làm giả mới sẽ được cấp cho họ. Người dân thành phố sở hữu ôtô cũng được cấp phù hiệu có gắn chip điện tử để theo dõi.

Mối họa từ bên trong

Các chuyên gia phân tích cho rằng việc đào những tuyến hào lớn, tăng cường kiểm soát chặt chẽ an ninh tại cửa ngõ thành phố có thể giúp Fallujah chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng không thể giúp ích gì trong việc ngăn ngừa mối họa từ bên trong, thậm chí còn khiến chúng trầm trọng hơn.

Fallujah là thành phố có rất đông người theo dòng Sunni sinh sống, và nơi đây từng là tâm điểm của phong trào chống đối chính quyền trung ương do người Shiite kiểm soát ở Baghdad. Đây được coi là một trong những lý do khiến IS có thể đánh chiếm dễ dàng Fallujah từ tay lực lượng an ninh Iraq, và cai trị thành phố suốt hơn hai năm qua.

Theo bình luận viên David Choi, tuyến hào dài bao quanh thành phố sẽ trở nên vô nghĩa trong dài hạn nếu như chính quyền Iraq không thực hiện các biện pháp hòa giải giữa người Sunni và người Shiite. Căng thẳng giữa người Sunni bản địa và lực lượng an ninh người Shiite có thể gia tăng, nếu như họ cho rằng các biện pháp an ninh đang được áp dụng là quá nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại bình thường của họ.

chien-thuat-thoi-trung-co-iraq-dung-de-chan-is-danh-bom-tu-sat-2

Một binh sĩ Iraq đứng gác ở cửa ngõ thành phố Fallujah. Ảnh: SCMP

Chủ tịch Hội đồng tỉnh Anbar Sabah al-Karhout lại than phiền rằng nỗ lực hòa giải đến nay vẫn chưa được thực hiện đúng mức, khiến nhiều người Sunni cảm thấy bất an khi trở về nhà. "Tình trạng cách ly phải chấm dứt, khi đó những lời kêu gọi ly khai khỏi chính quyền trung ương mới biến mất", ông al-Karhout nói, ám chỉ việc người Sunni ngày càng muốn đòi quyền tự trị cho khu vực của mình.

Xem thêm: Đội quân Quỷ đen - ác mộng của IS trên chiến trường Iraq

Trí Dũng

VNExpress

Iraq, phiến quân is, thành phố fallujah, đánh bom tự sát


© 2021 FAP
  2,862,845       3/1,304