Dư luận Nhật Bản bất ngờ với vụ giết người ở trung tâm khuyết tật tại Sagamihara, bởi đất nước này nổi tiếng an toàn với tỷ lệ tội phạm rất thấp.
Nghi phạm Satoshi Uematsu bị cảnh sát trùm đầu dẫn ra xe. Ảnh: Reuters |
Rạng sáng 26/7, nghi phạm Satoshi Uematsu mang theo ba con dao và dây cáp phá cửa kính đột nhập vào một trung tâm chăm sóc cho người khuyết tật tại Sagamihara, cách Tokyo khoảng 56 km về phía tây. Tại đây, kẻ tấn công đã ra tay giết 19 người và làm bị thương nhiều người trước khi lái xe đến đồn cảnh sát đầu thú.
Vụ tấn công gây chấn động đến mức ít nhất hai tờ báo lớn của Nhật phải xuất bản thêm để đưa tin về vụ việc. Truyền thông quốc tế cũng bày tỏ sự bất ngờ khi vụ việc xảy ra ở một đất nước có tỷ lệ tội phạm thấp như Nhật Bản. Các tờ báo lớn trên thế giới gọi đây là thảm kịch giết người tồi tệ nhất tại Nhật kể từ Thế chiến II.
"Đây là loại sự cố mà tôi chưa từng thấy ở Nhật Bản", Teruaki Sugimoto, một người đàn ông 66 tuổi sống ở gần trung tâm người khuyết tật, nói.
Theo CSMonitor, vụ thảm sát gần đây nhất ở Nhật là vào năm 2008, khi một người lao xe tải vào đám đông và tấn công người qua đường bằng dao, khiến 7 người thiệt mạng. Một vụ cố tình phóng hỏa cùng năm ở Osaka làm 16 người chết. 8 trẻ em tại một trường tiểu học ở Osaka thiệt mạng vì một cuộc tấn công bằng dao năm 2001. Năm 1995, giáo phái Aum Shinkrikyo thả khí độc sarin trên tàu điện ngầm Tokyo, giết chết 13 người và khiến hàng nghìn người khác bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, nhìn chung, thảm sát hiếm xảy ra ở Nhật Bản. Năm ngoái, có 933 vụ giết người tại đất nước có 127,3 triệu dân này. Con số này đã giảm từ mức 1.054 vụ vào năm trước đó. Mỹ có dân số gấp đôi Nhật Bản, nhưng thống kê của FBI năm 2014 cho thấy tại Mỹ có 11.961 vụ giết người - nhiều hơn gấp 11 lần so với ở Nhật cùng năm đó, theo Washington Post.
Khi Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố báo cáo về các vụ giết người trên toàn cầu năm 2014, họ đã chỉ ra rằng Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm sát nhân rất thấp. "Tỷ lệ số vụ giết người ở Nhật Bản đã giảm đều đặn kể từ năm 1955, xuống một trong những mức thấp nhất thế giới", bản báo cáo ghi nhận.
Nghi phạm Satoshi Uematsu ngồi trên xe cảnh sát khi bị đưa đi gặp công tố viên. Ảnh: Reuters |
UNODC đưa ra một số giả thiết giải thích vì sao Nhật Bản hiếm xảy ra các vụ giết người, trong đó có các yếu tố như nguy cơ bị bắt lớn (theo dữ liệu cảnh sát, 98% vụ giết người tại nước này tìm ra được thủ phạm), tâm lý tránh bạo lực từ sau Thế chiến II (thậm chí tội phạm có tổ chức tại nước này - yakuza, cũng được cho là tránh đối đầu bạo lực. Họ dùng các phương pháp hăm dọa đặc biệt như đứng bên ngoài một doanh nghiệp, xách ngược một con mèo bằng đuôi rồi đong đưa nó để tống tiền) và sự kỳ thị đối với những người bị bắt, dù vì bất kỳ tội trạng gì. Một yếu tố khác là tại Nhật không có hiện tượng tỷ lệ giàu tăng lên đi kèm với tỷ lệ nghèo càng trầm trọng thường thấy ở các nước phát triển.
Một nguyên nhân khác là sự khan hiếm súng tại Nhật. Nước này đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc sở hữu súng và quy định những hình phạt khắc nghiệt với người vi phạm. Tỷ lệ sở hữu súng trên 100 thường dân ở Nhật là 0,6, so với con số 101 khẩu trên 100 người tại Mỹ. Nhật Bản chỉ có một vụ giết người bằng súng vào năm 2015, so với hơn 13.000 vụ tại Mỹ.
Tuy vậy, vụ thảm sát tại Sagamihara cho thấy dù không dùng súng, cuộc tấn công cũng có thể gây ra thương vong lớn. Vụ sát hại làm dấy lên câu hỏi liệu danh tiếng của Nhật Bản là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới có đang tạo ra một cảm giác sai lầm về tình hình an ninh tại đây hay không.
Vì hiếm khi xảy ra thảm sát, Nhật Bản đã trở nên quá tự tin về sự an toàn của mình, Nobuo Komiya, nhà tội phạm học tại Đại học Rissho ở Tokyo, đánh giá. Ông cho rằng Nhật Bản đã lơ là việc quản lý rủi ro.
Ông Takeshi Koyanagi, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nạn nhân Quốc tế thuộc Đại học Tokiwa ở Mito thì cho rằng vụ thảm sát là bài học mà nhiều người Nhật phải chú ý. Ông cảnh báo rằng có thể xảy ra các cuộc tấn công bắt chước trong tương lai.
Vụ thảm sát 19 người đã gây sốc cho những người sống gần trung tâm tại vùng trung du ở Sagamihara. Reiko Kishi, 80 tuổi, từng làm việc ở trung tâm 30 năm, cho biết bà bị đánh thức bởi tiếng còi xe cứu thương giữa đêm.
"Tội ác như vậy chưa từng xảy ra tại khu vực ngoại ô tĩnh lặng và yên bình này", bà nói. "Tôi sẽ khóa cửa và cửa sổ cẩn thận hơn, ít nhất là ở tầng trệt".
Xem thêm: Sát thủ Nhật giết hại 19 người như thế nào
Phương Vũ
thảm sát bằng dao, đâm, giết, sát hại 19 người, chấn động, sát hại, giết người khuyết tật