24h qua - Thế giới

Hiểm họa trước mắt

PN - Cách nay vài tháng, chẳng ai biết đến IS hoặc Ebola, nhưng giờ thì nhiều người kinh sợ hai điều này. Bởi, dù là con người cực đoan như IS hay vi rút vô tình Ebola

Phiến quân IS tại thành phố Raqqa, Syria, nơi được xem là thành trì của IS - Ảnh: AP

Phiến quân IS: Không run tay trước bất cứ tội ác nào

Lây nay, Al-Qaeda là tổ chức khủng bố quốc tế đáng sợ nhất mà người ta từng biết đến. Al-Qaeda tổ chức nhiều cuộc tấn công mang tính hủy diệt đối với một nhà nước, và cũng không từ bất cứ tội ác nào đối với thường dân.

Giờ đây, Al-Qaeda chưa được tiệt trừ tận gốc, thế giới lại phải đối mặt với một tổ chức khủng bố khác, dã man hơn, vô luân hơn. Chúng không chỉ tự đặt mình vào vị thế của một nhà nước “không biên giới” khi trú đóng tại Syria, Iraq mà còn lộ rõ dã tâm thôn tính các nhà nước khác. Islamic State (IS - Nhà nước Hồi giáo) là danh xưng chúng tự đặt cho mình.

IS bắt cóc phụ nữ và trẻ em gái cho các chiến binh của mình kết hôn nhằm “tạo thế hệ chiến binh thứ nhì”. Chúng khuyến dụ phụ nữ phương Tây tham gia lực lượng của mình cũng vì lý do đó. Cả thế giới đã phẫn nộ về chuyện bé gái 14 tuổi Narin được phiến quân IS mang làm quà cho một thủ lĩnh. May mà Narin trốn thoát nên tội ác mới được bóc trần, nhưng còn hàng trăm, hàng nghìn Narin khác không trốn thoát được thì sao?

Hai mẹ con người Yadizi này trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của IS - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng thốt lên: “Tôi chưa từng thấy nhóm phiến quân nào lớn mạnh với tốc độ nhanh đến vậy”. Thế nhưng, chính phủ Mỹ cũng như các nước đồng minh phương Tây đã không có biện pháp nào hữu hiệu để tiêu diệt nhóm phiến quân này từ trong trứng nước. Mãi đến khi IS chiếm phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, đặc biệt là khi chúng lần lượt chặt đầu hai nhà báo Mỹ và một người Anh làm công tác thiện nguyện ở Trung Đông thì nhiều nước lớn mới thừa nhận là trước đây đã không đánh giá đúng về IS.

Điều đáng lo nhất là IS không hề “run tay” trước bất cứ tội ác nào và không phải chịu sức ép nào trước dư luận. Bất chấp lời van xin của những người mẹ, thân nhân của hai nhà báo Mỹ Steven Sotloff, James Foley và nhà thiện nguyện David Haines, tên đao phủ vẫn thản nhiên xuống tay. Bất chấp lời khẩn cầu của binh lính Iraq thất trận, phiến quân IS vẫn lạnh lùng xả súng vào họ. Tâm trạng kinh hoàng khi nghĩ về IS đã ngấm ngầm lan tỏa đến nhiều người, ở nhiều phần đất trên thế giới khi IS trắng trợn tuyên bố: “Nếu có thể giết người Mỹ hay người châu Âu hoài nghi, đặc biệt là người Pháp, Australia, hoặc Canada... công dân các nước tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo, thì hãy nghe lời Allah và giết đi”.

Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, hai đảng ở Quốc hội Mỹ đồng thuận, ủng hộ Tổng thống Barack Obama tiến hành một chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Các nước Tây Âu và Úc đồng tình tham gia chiến dịch này, bằng cách cùng không quân Mỹ oanh kích hoặc viện trợ vũ khí cho người Kurd ở Iraq (vốn bị IS xem là kẻ thù phải tiêu diệt không thương tiếc).

Đây cũng là lần đầu tiên, Mỹ nhận được sự ủng hộ trực tiếp của Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Jordan, Qatar trong việc đánh bom vào lãnh thổ một nước thuộc thế giới Hồi giáo. Vì thế mà ông Obama mới có thể nói “Mỹ không hề đơn độc trong cuộc chiến chống IS”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở “Mỹ cần tìm được sự đồng ý của Syria trước khi tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ nước này”, chứ không lên tiếng phản đối quyết liệt trước hành động có thể xem là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Syria. Ông biết, nếu không có động thái quyết liệt để tiêu diệt IS, an ninh của thế giới cũng như sinh mạng nhiều người dân vô tội sẽ tiếp tục bị đe dọa.

Mỹ và đồng minh không kích Syria, tiêu diệt sào huyệt IS - Ảnh: Reuters

Mỹ cùng các nước Tây Âu và Úc còn lo về “kẻ thù trong nhà” khi ngày càng có nhiều công dân trẻ nước mình bỏ nhà sang Syria để tham gia IS. Hiện cuộc không kích đã sang ngày thứ tư, nhưng IS không có dấu hiệu chùn bước. Tội ác của IS vẫn diễn ra, các phần tử thánh chiến nhóm Jund al-Khilifa có quan hệ với IS hôm 24/9 đã chặt đầu ông Herve Gourdel, một con tin người Pháp 55 tuổi, bị bắt cóc ở Algeria.

Lưỡi hái tử thần mang tên Ebola

Thế giới đang phải đón nhận nạn dịch khủng khiếp nhất kể từ 100 năm nay có tên gọi Ebola. Nói như bà Joanne Liu, Chủ tịch tổ chức Thầy thuốc không biên giới, tại một hội thảo do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva mới đây: “Nếu không có biện pháp cấp thời, lượng người nhiễm sẽ tăng gấp mười lần trong ba tháng tới”.

Thế nhưng, theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo này, nhanh nhất là đến tháng 11/2014 mới có những liều vắc-xin đầu tiên được cung cấp một cách đại trà. Như vậy, trong nhiều tuần nữa, thế giới vẫn phập phồng không biết khi nào vi rút Ebola lan đến nước mình.

Dù bây giờ, dịch Ebola vẫn được khoanh vùng ở Liberia, Sierra Leone và Guinea cùng một phần Nigeria, nhưng không phải là quá sớm để bà Magaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: “Nếu không có biện pháp kịp thời và hiệu quả, Ebola sẽ bùng nổ và trở thành bệnh dịch mang tính toàn cầu”.

Người ta từng biết về Ebola từ hơn 40 năm trước. Thế nhưng, nói như một chuyên gia dịch tễ học ở Đức trên tờ Der Spiegel: “Chúng ta đã không đánh giá đúng tầm tác hại của bệnh dịch này”. Một lần nữa, những nạn nhân trực tiếp của bệnh dịch này lại là phụ nữ.

Dịch Ebola vẫn hoành hành ở Tây Phi - Ảnh: AFP

Trong thời gian đầu bệnh dịch bùng phát, ổ dịch chính của “vùng cấm” Tây Phi là Liberia ghi nhận số người chết là phụ nữ luôn cao hơn nam giới. Nguyên nhân, những người vợ, người mẹ luôn là người chăm sóc chính cho thân nhân nhiễm bệnh. Rồi khi nạn nhân chết, người trực tiếp chôn cất cũng là phụ nữ. Thế là cái chết của một người dẫn đến cái chết thứ nhì, thứ ba.

Việc đưa thuốc đặc trị vào sử dụng quá chậm chạp, cộng với sự thiếu hụt nhân viên y tế, cơ sở vật chất khiến cho một số người dân ở vùng nhiễm dịch không còn giữ được kiên nhẫn. Có trường hợp trốn khỏi nơi điều trị, có trường hợp bệnh nhân tấn công người chăm sóc mình… Tất cả đều đến từ nỗi thất vọng và sợ hãi của cả người bệnh lẫn người trong vùng dịch bệnh.

Theo số liệu mới nhất của WHO, hiện có 2.917 người chết trong số 6.253 ca nhiễm vi rút Ebola. Thế nhưng, liệu có thể tin vào những con số báo cáo chính thức khi ở Liberia hiện nay, thi thể nhiều người chết vì vi rút Ebola được mai táng theo cách đơn giản nhất là quăng xác xuống sông. Tại Guinea và Sierra Leone tình hình cũng tương tự.

Không phải vô cớ mà nhiều người tham gia việc tiêm ngừa thử nghiệm là những người Mỹ và Anh. Tất cả đều biết rằng khoảng cách địa lý không thể đảm bảo sự an toàn cho mình trước nạn dịch có thể xem là hiểm họa toàn cầu này.

 THIỆN NGA

www.phunuonline.com.vn

Ebola, IS, Liberia, Syria, Iraq, WHO, hiểm họa


© 2021 FAP
  404,787       1/912