Thế giới

Đài Loan: Cuộc so găng giữa hai nữ chính khách

PN – Lần đầu tiên trong lịch sử, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chứng kiến cuộc so tài của hai nữ ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới vào tháng Giêng năm 2016.


Bà Hung Hsiu-chu của Quốc dân đảng (trái) sẽ đối mặt với bà Tsai Ing-wen của Dân tiến đảng trong cuộc bầu cử tháng Giêng năm 2016 - Ảnh: EPA

Quốc dân đảng (KMT), đảng cầm quyền của Đài Loan, đã khẳng định bà Hung Hsiu-chu, 67 tuổi, Phó chủ tịch Quốc hội, làm ứng cử viên tổng thống của đảng trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, phe đối lập Dân tiến đảng (DPP) cũng lựa chọn đưa một phụ nữ ra tranh cử là bà Tsai Ing-wen, 58 tuổi. Như vậy, lần đầu tiên Đài Loan sẽ có một cuộc chạy đua của hai người phụ nữ và có nhiều khả năng hòn đảo này sẽ có một nhà lãnh đạo nữ vào năm tới.

Phụ nữ lãnh đạo quốc gia là một xu hướng rõ nét ở châu Á, nhưng không giống như các trường hợp khác ở Thái Lan, Philippines và Hàn Quốc, không ai trong số hai ứng cử viên ở Đài Loan có cha, anh, hoặc chồng từng tham gia chính trường.

Cả bà Hung cũng như đối thủ của bà không ai xuất thân từ một gia đình hoạt động chính trị hay có ảnh hưởng trong xã hội. Thay vào đó, cả hai nhiều năm qua đã thăng tiến theo từng cấp bậc trong chính phủ. Nhiều người coi đây là dấu hiệu của sự tiến bộ đối với một nền dân chủ, khi mà phổ thông đầu phiếu mới chỉ được cho phép trong các cuộc bầu cử tổng thống giữa thập niên 1990.

"Tại sao chúng ta lại không thể có một phụ nữ làm nguyên thủ?”, Shi Dian-hsi, chủ một cửa hàng sửa chữa ô tô nói. Ông nói, trước nay chỉ thấy người ta đề cử đàn ông, nay có những phụ nữ tài ba và dũng cảm, nên cử tri sẽ ủng hộ cho họ.


Bà Tống Mỹ Linh (phải), phu nhân của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, từng đóng một vai trò có ảnh hưởng bên cạnh chồng - Ảnh:AP

Mặc dù chế độ Trung Hoa dân quốc chưa bao giờ có một nhà lãnh đạo nữ kể từ khi nó thành lập cách đây 100 năm, phụ nữ thực sự đã đóng vai trò có ảnh hưởng trong việc xây dựng đất nước và trong ngoại giao. Người ta hay nhắc đến vai trò của bà Tống Khánh Linh, phu nhân của nhà sáng lập Trung Hoa dân quốc Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn), cũng như bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tổng thống Tưởng Giới Thạch sau đó.

Đài Loan cũng từng có một phó tổng thống - bà Annette Lu, người nắm cương vị này từ năm 2000 đến năm 2008. Hiến pháp của Đài Loan cũng quy định tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội, kèm theo yêu cầu mỗi chính đảng cần có ít nhất 50% nhà lập pháp dân cử của họ nắm giữ các chức vụ quan trọng là phụ nữ.

"Số lượng nữ chính trị gia ở Đài Loan từ lâu đã vượt quá hạn ngạch, nhưng đàn ông vẫn được bầu nhiều hơn, và vẫn ít phụ nữ trong các vị trí quyền lực”, ông Yu Ching-hsin, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu bầu cử quốc gia cho biết. "Cuộc bầu cử sắp tới sẽ thay đổi điều này, và đó là một tin tốt lành”, ông Yu khẳng định.

Với biệt danh “trái ớt nhỏ” do sự thẳng thắn của mình, bà Hung, một cựu giáo viên trường trung học và nhà tư vấn, đã trở thành một thành viên Quốc dân đảng trung kiên từ khi còn nhỏ. Sau này bà trở thành Phó chủ tịch Quốc hội Đài Loan.

Trong khi đó, bà Tsai, một cựu giáo sư và luật sư, từng là phó thủ tướng và chủ tịch Hội đồng các vấn đề đại lục trong thời kỳ Đài Bắc quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh. Bà từng chạy đua tranh cử tổng thống vào năm 2012 và thất bại, nhưng hiện vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử.

Quan hệ của hai nữ ứng cử viên tổng thống này đối với Trung Quốc không giống nhau. Trong khi bà Hung và KMT ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, xác định đó là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Đài Loan, thì bà Tsai và đảng DPP của bà phản đối sự nhích lại gần với Bắc Kinh và cho rằng mối quan hệ gần gũi hơn với đại lục có thể đe dọa chủ quyền và độc lập của Đài Loan.

THANH VÂN
(Theo BBC, Want China Times)
 

www.phunuonline.com.vn

Đài Loan, bầu cử tổng thống, Hung Hsiu-chu, Tsai Ing-wen


© 2021 FAP
  350,569       5/1,013