Thế giới

‘Chấm son cứu mạng sống’ ở Ấn Độ

PN - Ashwini Raut giờ đây có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc – cô gái 25 tuổi như bay trên những ngày tháng của cuộc sống thường nhật tại một thị trấn vùng nông thôn bang Maharashtra, cô sắp sửa lấy chồng và đang lên kế hoạch cho gia đình nhỏ của mình.


Phụ nữ Ấn Độ với chấm son đỏ trên trán - Ảnh minh họa: Takepart.com

Nhưng mới cách đây không lâu, cô phát hiện thấy sức khỏe của mình gặp nguy hiểm. Vùng đất nơi Raut đang sống rất hiếm i-ốt, một nguyên tố vi lượng quan trọng cần thiết cho cơ thể con người. Nếu cô không bổ sung i-ốt cho chế độ ăn uống của mình, cô sẽ dễ bị rối loạn do thiếu i-ốt, một tình trạng có thể dẫn đến suy giáp, bướu cổ, ung thư vú, và thậm chí tổn thương não. Con cái cô sau này sẽ đần độn hoặc khuyết tật về phát triển.

Nhưng Raut không đơn độc. Theo Tạp chí nghiên cứu y khoa Ấn Độ, toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ được biết đến là miền đất thiếu i-ốt, nguyên nhân khiến người nước này dễ bị IDD – nguyên nhân lớn nhất gây thương tổn não có thể phòng ngừa trên toàn cầu. IDD thường trực gây hại, nhưng chúng có thể ngăn ngừa một cách dễ dàng bằng một liều lượng hàng ngày 150-200 microgram i-ốt. Cách đơn giản nhất để tiêu thụ lượng i-ốt này là thông qua dùng muối i-ốt.

Trong khi các nghiên cứu cho thấy muối i-ốt đến được với khoảng 91% trăm các hộ gia đình Ấn Độ, nhưng chỉ có 71% tiêu thụ nó ở mức khuyến cáo, và ước tính 350 triệu người còn lại ở Ấn Độ có nguy cơ cao bị IDD. Trong đó, đặc biệt dễ bị tổn thương là những người sống ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Hãng quảng cáo tiếp thị Grey Group, chi nhánh của một công ty từ thiện có trụ sở tại Singapore, đã phát triển một ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thiếu i-ốt ở các khu vực nông thôn của Ấn Độ. Vì hầu hết phụ nữ Ấn Độ đều trang điểm bindi - một thứ trang điểm hình một dấu tròn đỏ ở giữa trán, Grey Group bèn tạo ra bindi tráng i-ốt để bổ sung chất vi lượng quan trọng này khi mỗi ngày gắn chấm son “i-ốt” ít nhất bốn giờ.

Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và quỹ y khoa Neelvasant (NMFRC), một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, nhóm đã phát động một chiến dịch thử nghiệm ở Delhi và vùng nông thôn Maharashtra trong tháng Ba để phân phối các gói bindi cho từng cá nhân, mỗi gói có 30 miếng bindi tráng i-ốt, cho hơn 30.000 phụ nữ, trong đó có cả cộng đồng của cô Raut.

Mỗi bindi tráng khoảng 150-200 microgram i-ốt được hấp thụ qua da. Hiệu quả sử dụng phụ thuộc vào các yếu tố như độ dày da và mức độ mồ hôi. Tính trung bình, người dùng hấp thụ khoảng 12% yêu cầu i-ốt hàng ngày từ bindi, theo Prachi Pawar, chủ tịch NMFRC. Theo vị bác sĩ nhãn khoa này, bindi tráng i-ốt không gây ra tác dụng phụ.

Mục tiêu của dự án này không chỉ nhằm phân phối các bindi, mà còn hướng các gia đình Ấn Độ thay đổi lối sống để có được lượng i-ốt thiếu hụt, bên cạnh muối ăn, thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức.

Giai đoạn thứ hai của chiến dịch "Chấm son cứu mạng sống” được dự kiến sẽ khởi động trong vài tháng tới, nhằm tăng việc cung cấp bindi tráng i-ốt đến tay nhiều phụ nữ hơn ở Ấn Độ.

Raut và nhiều phụ nữ khác mong nhận được nhiều bindi i-ốt hơn. "Bây giờ họ hiểu, thật dễ dàng chăm sóc cho một khía cạnh sức khỏe của mình”, chủ tịch NMFRC nói.

CẨM HÀ
(Theo Yahoo News)
 

www.phunuonline.com.vn

Ấn Độ, thiếu i-ốt, chấm son trang điểm, Ashwini Raut


© 2021 FAP
  359,492       2/856