Thế giới

Ngư dân nước ngoài bị bóc lột như nô lệ tại Indonesia

PN - Quan chức của ba quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, Myanmar và Indonesia đang điều tra những hòn đảo xa xôi ở miền Đông Indonesia để tìm hiểu việc hàng ngàn ngư dân nước ngoài phải làm việc như nô lệ để đánh bắt hải sản xuất khẩu

 

Các ngư dân bị đối xử như nô lệ ở làng chài Benjina, đảo Aru - Ảnh: AP

Một tuần sau khi hãng tin AP đăng tải bài viết tình trạng lao động nô lệ trong ngành đánh bắt thuỷ hải sản Indonesia, phái đoàn điều tra của Thái Lan và Indonesia đã đến làng chài Benjina, đảo Aru, một trong số những địa điểm được đề cập trong bài viết, qua đó xem xét vụ việc. Các nhà điều tra Myanmar cũng đến nơi này trong tuần tới để xác định có bao nhiêu công dân của nước mình bị bóc lột sức lao động.

Steve Hamilton, phó giám đốc Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) tại Indonesia cho biết: “Dường như không ngư dân nào ý thức rằng họ đang gặp nguy hiểm, họ chỉ biết rằng họ cần phải làm việc càng nhanh càng tốt”.

Ở Benjina, phái đoàn điều tra đã nhìn thấy hàng chục ngôi mộ của ngư dân được chôn ở một nghĩa địa. Rất nhiều ngư dân bị “giam lỏng” ở đây trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi được đưa từ Thái Lan đến đây và bị ép làm việc trong điều kiện lao động nguy hiểm. Nhiều ngư dân cho biết họ rất muốn về nhà nhưng không thể.

Ngư dân nước ngoài phải làm việc trong điều kiện tồi tệ ở một số đảo của Indonesia

Ida Kusuma, một quan chức của Bộ Ngư nghiệp Indoneisa, nằm trong phái đoàn điều tra cho biết bà rất buồn vì vụ việc xảy ra tại Indonesia. Đồng thời, bà khẳng định chính phủ sẽ có những biện pháp giải quyết vấn đề thỏa đáng. “Chúng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy chúng tôi không muốn điều đó”, bà Ida Kusuma nói trong chuyến đi đến đảo Tual trước khi đến đảo Benjina trong ngày hôm qua, 2/4. “Tôi cho rằng công ty đứng ra thuê những lao động nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, và đưa các ngư dân về với gia đình của họ”.

Trước tình hình trên, chính phủ Indoneisa cho biết sẽ đưa các ngư dân nước ngoài trở về nước. Tổng giám đốc Tổ chức Tài nguyên biển và giám sát Hải sản Indonesia ngày 3/4, nói nhóm 20 ngư dân Myanmar từ đảo Benjina đến Tual để đảm bảo an toàn cho những người này. Khi tin tức này lan rộng, nhiều người cũng bắt đầu nộp đơn xin về nhà.

Nhà điều tra Thái Lan tỉm hiểu điều kiện sinh hoạt của các ngư dân “nô lệ” - Ảnh: AP

IOM tuần trước cho biết có khoảng 4.000 ngư dân nước ngoài đang làm việc trong điều kiện tồi tệ tại các hòn đảo ở miền Đông Indonesia. Họ phải làm việc theo ca từ 20 - 22 giờ/ca và không có ngày nghỉ, không có nước sạch để uống;thậm chí bị đánh đập nếu có phàn nàn. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được số tiền lương ít ỏi.

Indonesia là một trong những quốc gia có thể mạnh về khai thác thuỷ hải sản. Ước tính, nước này thu về hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ việc xuất khẩu hải sản.

PHƯƠNG ANH
(Theo AP)

www.phunuonline.com.vn

Indonesia, Myanmar, Thái Lan, ngư dân, nô lệ, bóc lột


© 2021 FAP
  630,662       1/259