PN - Hồi cuối tuần, Phó tổng thống Sierra Leone, ông Samuel Sam-Sumana tự mình nhập viện cách ly Ebola, sau khi một vệ sĩ của ông chết vì virus nguy hiểm này.
Cuối năm ngoái, tình hình dịch Ebola thuyên giảm “một cách đáng lạc quan” ở ba nước Tây Phi trung tâm vùng dịch - Guinea, Liberia và Sierra Leone, song thời gian gần đây virus Ebola đã phát tác trở lại thông qua các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong được xác nhận ở Sierra Leone.
Tình trạng nhiễm virus Ebola ở Sierra Leone tăng lại trong vài tuần gần đây - Ảnh AFP
Phó tổng thống Sam-Sumana cho biết, ông chọn biện pháp cách ly để “làm gương”, sau cái chết của vệ sĩ John Koroma vào tuần trước. Hãng tin Reuters dẫn lời ông nói rằng, ông cảm thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng nào của căn bệnh Ebola, nhưng muốn “nắm lấy cơ hội này” để phòng ngừa đầy đủ. Toàn bộ nhân viên và vệ sĩ của ông Sam-Sumana hiện đều được đặt dưới sự giám sát y tế.
Đến nay, Phó tổng thống Sam-Sumana là quan chức chính quyền cấp cao nhất ở Sierra Leone tình nguyện áp dụng chế độ cách ly y tế để điều trị Ebola.
Theo số liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 2/2015 đã có 9.675 người chết do virus Ebola, phần lớn ở các nước Tây Phi, trong đó có một người chết ở Mỹ và sáu người chết ở Mali. Tính theo quốc gia, Liberia có 4.057 người tử vong vì Ebola, Sierra Leone có 3.490 người, Guinea có 2.113 người và Nigeria có tám người chết.
Theo WHO, trong số 99 ca nhiễm mới được ghi nhận trong tuần từ 16/2, có 63 trường hợp ở Sierra Leone.
Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma tuần qua đã ra lệnh cho các hãng vận tải công cộng giảm công suất khai thác 25% nhằm hạn chế tiếp xúc giữa hành khách, tránh lây lan virus Ebola.
THANH HIỀN
(Theo BBC, AFP)
Ebola, virus, Siearra Leone, cách ly, nhiễm Ebola, y tế, vùng dịch, tử vong