PN - Trong khi vụ 15 phụ nữ ở bang Chhattisgarh thiệt mạng hồi tháng trước vì triệt sản theo chương trình của chính phủ Ấn Độ chưa kịp lắng dịu,
Dùng ống bơm xe đạp để bơm CO2 vào bụng bệnh nhân - Ảnh: BBC
Trong khi phẫu thuật triệt sản, bệnh nhân cần được bơm khí CO2 vào bụng để tạo độ phình cần thiết, nhằm cân bằng áp suất bên trong bụng và tạo không gian cho bác sĩ (BS) thao tác với các dụng cụ y khoa khác. Rout đã sử dụng một máy bơm xe đạp để làm căng bụng của bệnh nhân. Đáng chú ý, Rout đã làm vậy trong hàng trăm lần phẫu thuật và “không bao giờ xảy ra tai nạn hoặc biến chứng gì”.
Dĩ nhiên, sự tự tin của Rout hoàn toàn đáng chê trách. Nhưng, điều kinh khủng hơn, Rout không phải BS thực hiện triệt sản duy nhất ở Ấn Độ chủ quan và bừa bãi với tính mạng bệnh nhân như thế. Trở lại vụ 15 phụ nữ đã chết tức tưởi ở bang Chhattisgarh tháng 11/2014, BS R.K Gupta đã bị bắt và đối mặt với tội danh gây tử vong do sơ suất. Trong ngày xảy ra tai nạn chết người, Gupta thực hiện triệt sản cho cả thảy hơn 80 người, và tính đến khi bị bắt, số phụ nữ được ông triệt sản khoảng 50.000 người. BS Gupta tiết lộ: “Tôi thực hiện 10 ca liên tục với cùng một con dao”. Ông cũng nói là mình chỉ mất từ hai-năm phút cho mỗi lần phẫu thuật. Về điều kiện vệ sinh tồi tệ của phòng phẫu thuật, như cảnh sát mô tả, là mạng nhện giăng đầy, khắp nơi vương vãi những vệt máu. Gupta cho đó là trách nhiệm của chính phủ.
Những vụ triệt sản dẫn đến chết người không phải chuyện lạ ở Ấn Độ. Năm 2012, từng xảy ra vụ việc ba người đàn ông bị bắt giữ tại Bihar sau khi triệt sản cho hơn 53 phụ nữ chỉ trong hai giờ, và họ cũng không sử dụng thuốc gây mê cho bệnh nhân. Theo báo cáo, từ năm 2009 đến 2012, hơn 700 trường hợp tử vong do sự cố phẫu thuật, 356 trường hợp bị biến chứng.
Phụ nữ nghèo ở Ấn Độ nhiều khi không được giải thích về rủi ro trong phẫu thuật triệt sản, cũng như phải chịu điều kiện y tế tồi tệ - ẢNH: REUTERS
Khác với Trung Quốc (sử dụng chính sách một con), Ấn Độ đưa ra chương trình kế hoạch hóa gia đình quốc gia vào giữa những năm 1970, với chiến dịch triệt sản cho nam giới. Hơn sáu triệu đàn ông đã phẫu thuật thắt ống dẫn tinh chỉ trong một năm. Nhưng, chiến dịch này bị hủy bỏ trước làn sóng giận dữ từ công chúng. Vậy là, ở quốc gia còn nặng nề tư tưởng gia trưởng, biện pháp triệt sản để kềm hãm tốc độ tăng dân số đã trở thành “nghĩa vụ” với nữ giới. Ước tính 37% phụ nữ lập gia đình ở Ấn Độ đã triệt sản. Chỉ năm 2011-2012, chính phủ ghi nhận có 4,6 triệu phụ nữ đã triệt sản.
BS Lalit Mohan Pant, giữ kỷ lục đã triệt sản cho 816 người trong một ngày, đến nay đã triệt sản tổng cộng hơn 330.000 bệnh nhân. Ông Pant tự hào cho rằng mình góp phần ngăn chặn sự chào đời của gần một triệu công dân Ấn Độ. Theo ông Pant, việc đặt ra chỉ tiêu triệt sản là cần thiết để thúc đẩy nhân viên y tế chính phủ theo đuổi mục tiêu.
Nhưng, cũng chính việc đề ra “hạn ngạch” như thế trong khi chưa phát triển và đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, BS có “tay nghề”, thậm chí là chưa tuyên truyền đầy đủ cho người dân cả về rủi ro trong phẫu thuật triệt sản đã để lại hậu quả đáng tiếc. BS Puneet Bedi, nhà hoạt động xã hội, thừa nhận kế hoạch hóa gia đình đã trở thành “nỗi ám ảnh” với Ấn Độ. “Chúng ta đổ lỗi cho mọi vấn đề là do chính sách kiểm soát dân số, vì vậy, chúng ta lập ra các trại triệt sản lưu động trong lúc dịch vụ chăm sóc sức khỏe công của chúng ta lạc hậu, các biện pháp an toàn bị bỏ qua” - ông Bedi nhìn nhận.
Người dân Ấn Độ phẫn nộ trước việc phụ nữ nước này thiệt mạng vì triệt sản theo chương trình của chính phủ - Ảnh: AFP
Cần nói thêm, chính phủ Ấn Độ khẳng định, phẫu thuật triệt sản là tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đi-triệt-sản là do yêu cầu của chồng, nhằm được hưởng ưu đãi từ chính phủ. Việc trả tiền để người ta đi triệt sản là phạm luật ở một số nước, nhưng phụ nữ Ấn Độ lại kiếm được tiền nhờ… triệt sản. Số tiền mỗi phụ nữ được hưởng là 23 USD (1.400 rupee), tương đương lương một tuần của những người sống trong mức nghèo khổ. Có lúc, chính phủ còn tỏ ra rất hào phóng với người chịu triệt sản, như năm 2011, chính quyền ở Rajasthan cung cấp nhiều giải thưởng như xe máy, ti vi, máy xay sinh tố, thậm chí cơ hội giành được chiếc xe hơi giá rẻ Tata Nano.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội về “mặt trái”của chương trình khuyến khích phụ nữ triệt sản, chính quyền bang Orissa vừa quyết định dừng các vụ triệt sản ở đây. Rõ ràng, sự chuyển đổi trước mắt của bang Orissa chưa đủ để giải quyết “góc khuất” trong chính sách kiểm soát tăng dân số bằng cách triệt sản ở Ấn Độ.
VĨNH LINH (Theo BBC, CNN, Reuters)
Ấn Độ, triệt sản, phụ nữ, thiệt mạng, bác sĩ, bơm xe đạp, Orissa, Chhattisgarh