Thế giới

Thế hệ Z - Họ là ai?

PNCN - Bé Evelyn, năm tuổi, hay e thẹn trước đám đông, nhưng lại tỏ ra không sợ gì khi trèo cây. Bé thích thức ăn Mexico, mê đồ chơi Lego hơn là búp bê Barbie

Thế hệ này (Generation Z - Gen Z) ám chỉ những người trẻ sinh sau năm 1995, ước khoảng hai tỷ người trên thế giới.

Những nghiên cứu gần đây đã vẽ nên thế hệ Z là những nhà kinh doanh nhạy bén, có khả năng nhận thức xã hội cũng như thái độ đạo đức cao. Sự lạc quan của họ cũng làm những nhà nghiên cứu kinh ngạc. So với thế hệ X (những người đang ở độ tuổi 30-40), phần lớn thế hệ Z mong muốn làm công việc có ảnh hưởng đến thế giới. Họ chứng kiến thế hệ đi trước luôn tuân theo quỹ đạo rồi bị nhấn chìm vào công việc cùng những khoản nợ khổng lồ, và họ không muốn theo vết xe đổ. Họ là một thế hệ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng có mục đích.

Malala Yousafzai tiêu biểu cho thế hệ Z- nổi loạn có mục đích

Một ví dụ điển hình cho thế hệ Z là nhà hoạt động giáo dục Malala Yousafzai - nổi loạn có mục đích. Malala bị phiến quân Taliban bắn vào đầu và trở nên nổi tiếng toàn cầu với phòng trào đấu tranh vì nền giáo dục cho trẻ em gái. Cô từng tuyên bố: “Tôi chỉ có hai lựa chọn: hoặc là im lặng và sống mòn trong khủng bố rồi bị giết hại hay là lên tiếng rồi cũng bị giết”.

Nhà hoạt động xã hội và cây viết 16 tuổi Adora Svitak là một ví dụ khác. Những bài viết của Adora đã biến em thành “ngôi sao” của mạng xã hội khi cô bé mới sáu tuổi. Hiện Adora theo đuổi phong trào nâng cao nhận thức về giá trị của phụ nữ và văn chương.

Adora Svitak - Ảnh: People

Thế hệ Z trẻ hơn cả Google. Họ là thế hệ đầu tiên có tư chất kỹ thuật số hoàn toàn. Một đứa bé lên sáu có thể chưa biết cột dây giày, nhưng lại rành ngôn ngữ kỹ thuật mạng hơn một người 45 tuổi, đó là kết luận của trung tâm quan sát giáo dục Anh. Sự hiện diện thông tin trên mạng một cách rộng rãi và sẵn sàng khiến cho thế hệ Z không còn ngạc nhiên với điều gì cả. Tuy nhiên, với sự phổ biến của bản đồ trên mạng, họ lại mất đi khả năng tìm kiếm phương hướng. Họ cũng không sống nổi một ngày mà không có... điện thoại thông minh.

So với thế hệ thiên niên kỷ (millenials) là những người từ 20-26 tuổi, luôn bị ám ảnh với loạt ảnh tự sướng, thế hệ Z muốn sống “ẩn dật” trên mạng; một phần tư trong số họ đã từ bỏ Facebook trong năm 2014.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy, thế hệ này biết tiết kiệm hơn. Họ ít uống rượu, hút thuốc, ít nghiện ngập hơn so với thế hệ trước. Họ ít gây gổ đánh nhau trong trường học và quan hệ tình dục ít hơn. Tuy nhiên, họ lại cho rằng hôn nhân là mối quan hệ lỏng lẻo, dễ thay đổi - điều này khiến các nhà nghiên cứu xã hội dự đoán chế độ nhiều vợ nhiều chồng có thể là khuynh hướng trong tương lai.

Có 69% trong số 11.000 người thuộc thế hệ Z mong muốn mình thông minh hơn là có ngoại hình đẹp. Marian Bechtel, 19 tuổi, là nhà hoạt động nhân đạo và chống chiến tranh người Mỹ. Khi mới 13 tuổi, cô kết hợp tình yêu âm nhạc và khoa học để chế tạo máy rà bom mìn rất rẻ và hiệu quả nhờ ứng dụng của sóng âm. Marian Bechtel nói: “Tôi không muốn thống trị thế giới, chỉ muốn đóng góp vào thế giới mình đang sống”. Tương tự, cô gái Fahma Mohamed 17 tuổi, sinh ra trong một gia đình Somali, hiện sống ở Anh. Cô hợp tác với Jaha Dukureh, 24 tuổi, người Mỹ gốc Gambia, lãnh đạo phong trào chống nạn cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện họ đã nhận được sự ủng hộ của cựu bộ trưởng giáo dục Anh Michael Gove và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.

Thế hệ Z rất nhạy cảm với nợ nần. Phần lớn họ cho rằng giáo dục đại học không xứng với số tiền bỏ ra và 70% muốn khởi nghiệp riêng.

Đây chỉ mới là phác thảo sơ bộ của một thế hệ mới. Những nhà nghiên cứu xã hội nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh cách nhận biết một người thuộc thế hệ Z: “Những gì bình thường với họ thì có thể là một vật thể lạ ngoài hành tinh với chúng ta”.

PHAN QUỲNH DAO

www.phunuonline.com.vn

Gen Z, Thế hệ Z, Malala, Adora Svitak, Ban Ki-moon


© 2021 FAP
  652,507       2/1,173