Thế giới

“Vi hành” bằng mạng xã hội

PN - Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Pháp luật của Singapore Shanmugam chia sẻ trên Facebook câu chuyện một cô dâu sắp cưới bất ngờ

Ngay sau khi được đưa lên mạng xã hội (MXH), câu chuyện này thành đề tài thu hút người dân Singapore bày tỏ quan điểm. Một số người cảm ơn Bộ trưởng Shanmugam vì ông nêu được cái khó mà ai cũng nhìn thấy, nhưng không thể nói ra.

Với 40.000 người theo dõi trên Facebook, Bộ trưởng Shanmugam là một trong những chính trị gia cởi mở trên MXH. Sau chuyến thăm sinh viên ngành tư pháp hình sự ở Đại học quốc gia Singapore (NUS) ngày 16/8, khi đưa hình tự chụp của mình và các sinh viên lên Facebook, ông đã gõ nhầm chữ “Selfie” thành “Wefie”, một sinh viên đã bình luận nhắc ông chi tiết sai này bằng lời lẽ hóm hỉnh và gần gũi. Đối với sinh viên ngành luật, có lẽ ông Shanmugam là kênh tư vấn trực tiếp nhất. Trên Facebook, ông sẵn sàng chia sẻ mặt được và hạn chế của ngành luật trong nước cũng như quốc tế để sinh viên dễ định hướng, lựa chọn chuyên ngành phù hợp. Nhờ trao đổi với sinh viên trực tiếp, nhanh chóng trên MXH, ông Shanmugam liên hệ với thực tế công việc và mối quan tâm của người dân một cách chính xác nhất có thể. Ông thường xuất hiện với phong cách giản dị và thân thiện ở những sự kiện liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.

Hình ảnh gần gũi của Bộ trưởng Shanmugam với người dân - Ảnh: Facebook

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng là một trong những lãnh đạo tích cực chăm chút trang cá nhân trên MXH. Không chỉ nêu suy nghĩ về các sự kiện chính trị, xã hội, kinh tế trong và ngoài nước, ông còn đưa những câu chuyện đời thường lên Facebook. Hồi tháng Sáu, cộng đồng mạng truyền nhau bài viết và hình ảnh Thủ tướng Lý Hiển Long xếp hàng mua gà rán ở một khu ẩm thực ngoài trời Singapore. Thủ tướng chỉ đề cập đến chuyện này như một công dân bình thường: “Hôm ấy, có hai bạn trẻ nhường tôi xếp hàng trước, chỉ với lý do họ không muốn một người già như tôi phải chờ đợi lâu. Ai đó rất tử tế đã âm thầm gọi cho tôi bát xúp, thanh toán giùm tôi. Cuộc sống có những lúc thật nhẹ nhàng”.

Cách lãnh đạo Singapore tiếp cận người dân qua MXH cũng là xu hướng mà các vị lãnh đạo trên thế giới hướng đến. Theo thống kê của Hội đồng chính sách kỹ thuật số (tổ chức quốc tế trụ sở tại Mỹ), 80% lãnh đạo thế giới dùng MXH Twitter. Đây cũng là công cụ giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008. Nhờ Twitter mà ông Obama chuyển tải được trọn vẹn thông điệp của mình đến các cử tri.

Hội đồng chính sách kỹ thuật số nhận định, MXH giúp lãnh đạo kết nối dễ dàng với cả thế giới, giúp hình ảnh của họ lan rộng ra khỏi phạm vi quốc gia.

Bức ảnh ông Obama chia sẻ niềm vui với vợ khi tái đắc cử thu hút nhiều người ở Twitter

Đứng đầu danh sách lãnh đạo được nhiều người theo dõi nhất trên Twitter vẫn là Tổng thống Obama. Tuy nhiên, tài khoản của ông hiện được đội hỗ trợ thông tin số quản lý và đăng tải thông tin có chọn lọc, không còn hấp dẫn mọi người như thời điểm ông vận động tranh cử.

Điều thú vị là Tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tăng tốc để giữ vị trí thứ hai trên Twitter, tăng 52 bậc so với năm 2013. Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có mặt trong danh sách những lãnh đạo được theo dõi trên Twitter nhiều nhất.

Hầu hết các vị lãnh đạo trên thế giới bắt đầu sử dụng Twitter và các MXH khác sau năm 2010. Hiện nay, trong số gần 650 tài khoản của các lãnh đạo trên thế giới, chỉ 126 tài khoản được tạo trước năm 2010. Theo thống kê, 161 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc đã có đại diện tham gia các MXH phổ biến như Twitter, Facebook.

Ông Jeff Bullas (người Mỹ), một trong những chuyên gia hàng đầu về MXH cho rằng, sử dụng MXH là xu hướng mà các lãnh đạo hướng tới, không chỉ đem lại cảm giác lãnh đạo trở nên thân thiện, gần gũi mà còn tăng tính tương tác, tạo nên sự thấu hiểu cần thiết để quản trị, điều hành đất nước.

 THIÊN ANH (Theo Singaporeseen, Diplomat)

www.phunuonline.com.vn

Singapore, Shanmugam, Lý Hiển Long, Barack Obama, Twitter, Facebook, mạng xã hội


© 2021 FAP
  413,968       2/851