Thế giới

Di chứng suốt đời

PN - Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có 215 triệu trẻ em trên thế giới làm việc mà không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.

 Bạo hành trẻ em là vấn đề nhức nhối không chỉ ở các nước nghèo, đang phát triển mà còn là mối bận tâm của nhiều nước tiên tiến khác. Trong năm 2013, chỉ tại Mỹ đã có 3,3 triệu trẻ em bị bạo hành được báo cáo đến các cơ quan hữu trách, và hầu hết đều không được điều tra đến nơi đến chốn. Con số thống kê của báo điện tử Huffington Post, chắc chắn chưa thể liệt kê đủ mọi trường hợp, nhưng cũng nói lên một thực tế khác của đất nước luôn được cho là dành mọi điều tốt nhất cho trẻ em.

Nghiên cứu đầu tiên trong vòng 20 năm của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ về bạo hành trẻ em khẳng định, những tổn thương về mặt tâm lý của trẻ sau khi bị bạo hành nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả suốt đời. Đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ không thể kiểm soát cảm xúc và hành động của mình, khó có thể hòa đồng với các bạn cùng lớp cũng như đồng nghiệp về sau. Nói chung, nhiều khả năng đó sẽ là một người không bình thường về mặt tinh thần cũng như thể chất.

“Bạo hành trẻ em là vấn đề rất hệ trọng đối với xã hội mà chúng ta cần phải tìm ra biện pháp ngay lập tức”, giáo sư Anne Peter­sen của Đại học Michigan quả quyết. Bà lý giải như sau: “Những hệ quả xấu sẽ kéo dài đến khi đứa trẻ trưởng thành và điều này ảnh hưởng với gia đình của chúng cũng như cộng đồng”.

Archuleta và con trai song sinh - Ảnh: Facebook

Tuy đồng tình với quan điểm của giáo sư Anne Peter­-sen, nhưng Mary Dozier, giáo sư của Đại học Delawar cho biết: “Tôi không cho rằng một đứa trẻ từng bị bạo hành là đã hết thuốc chữa. Nếu chúng ta can thiệp kịp thời và thay đổi môi trường sống của chúng để chúng yên tâm là mình đang nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, tôi tin sẽ có chuyển biến tốt. Quá trình can thiệp rất quan trọng và chắc chắn mang đến hiệu quả”.

Đầu năm 2014, một cặp sống với nhau đã bị cảnh sát Oklahoma bắt vì tội hành hạ hai con sinh đôi của họ. Sau khi ném cả hai con mới sinh vài tuần của mình xuống đất, Clorinda Archuleta, 24 tuổi, đã để đến nhiều ngày sau mới đưa con vào bệnh viện. Lúc đó các bác sĩ nhận ra ngay là cả hai đứa trẻ này đều bị chấn thương não nghiêm trọng. Cảnh sát đã bắt Archuleta và bạn trai của cô ta, Joshua Wray, cũng 24 tuổi, vì tội hành hạ trẻ em.

Qua điều tra, cảnh sát Oklahoma phát hiện rằng Archuleta thường xuyên bị bạo hành, lại còn bị xâm hại tình dục trong nhiều năm khi cô còn ở một trại giáo dưỡng do tiểu bang quản lý. Phải chăng điều đó cho thấy lập luận của giáo sư Anne Peter­-sen là có cơ sở? Tuy nhiên, chính từ trường hợp này mà người ta đang thí điểm lý thuyết của giáo sư Mary Dozier với hy vọng thay đổi môi trường sinh hoạt giúp trẻ từng bị bạo hành không còn là mối nguy tiềm tàng của gia đình và cộng đồng như Clorinda Archuleta nữa.

TRƯỜNG AN (Theo Washington Post, Daily Mail)

www.phunuonline.com.vn

ILO, Oklahoma, Archuleta, Anne Peter - sen, bạo hành trẻ em


© 2021 FAP
  443,110       2/850