PN - Việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) tại lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động “khiêu khích và bất hợp pháp”.
● Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, mới có một bài viết quan trọng trên tạp chí Diplomat, vạch trần “tâm địa” của Bắc Kinh. Sau khi “định danh” hành động ngang ngược của TQ khi đưa trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) vào thềm lục địa của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và không vì mục đích thương mại, GS Thayer phân tích ý đồ của Bắc Kinh khi tiến hành bước đi phiêu lưu này. Thứ nhất, theo GS Thayer, TQ muốn đáp trả Luật Biển được Việt Nam ban hành giữa năm 2012. Ngay sau khi bộ luật được phê chuẩn, Tổng công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) đã công bố mời thầu nhiều lô trên Biển Đông, chồng lấn với các lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp của Việt Nam. Mục đích của việc này là nhằm vô hiệu hóa các tuyên bố về quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong lô 143. Thứ hai, TQ thông qua hành động này để “trả đũa” chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người mà trong suốt chuyến đi không ngừng công khai phản đối các biện pháp hăm dọa và cưỡng ép nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực của TQ. GS Thayer cũng bác bỏ ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng hành động Bắc Kinh nhắm đến hoạt động khai thác dầu khí của Công ty Mỹ ExxonMobil trong các lô gần đó. Theo ông, nhận định này “kém thuyết phục” vì ExxonMobil đã hoạt động ở lô 119 từ năm 2011 và gần đây Bắc Kinh không có động thái nào đẩy mạnh sự phản đối với hoạt động của công ty này.
● Học giả Lucio Caracciolo, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế hàng đầu của Italia, hiện là Tổng biên tập tạp chí Limes có uy tín của nước này, cũng có bài trả lời phỏng vấn đáng chú ý dành cho TTXVN liên quan đến vụ giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981). Ông nói, TQ đang hành động mạnh mẽ nhằm khẳng định quyền sở hữu của họ đối với những quần đảo và vùng biển gần lãnh thổ của họ. “Trên thực tế, đây không chỉ là đòi hỏi mang tính kinh tế, mà còn là cách để phô trương thanh thế của họ đối với các nước châu Á và Mỹ. Ngoài những lý do đơn thuần về kinh tế, yêu sách ngày càng tăng của TQ giống như việc gia tăng sự thể hiện về hình ảnh, quyền lợi và thể diện của một quốc gia cho là mình đã lên đến tầm siêu cường”. Theo ông Caracciolo, “họ (TQ) tìm kiếm những đụng độ và chỉ cần một hòn đảo nhỏ trên biển cũng có thể là lý do để làm bùng lên sự đối đầu. Hy vọng đó không phải là những đối đầu về quân sự, vì Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cũng như các nước khác đang có tranh chấp với TQ đều không muốn mắc bẫy về quân sự trong cuộc chơi thể diện của Bắc Kinh”. Ông cũng chỉ rõ, “việc giải quyết bằng con đường trọng tài quốc tế để có được một giải pháp cuối cùng không phải là điều TQ mong muốn. Họ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia tranh chấp để sao cho có lợi cho mình. Khiêu khích và sau đó đàm phán là chiến thuật của Bắc Kinh”.
THIỆN ĐẠO (Theo Reuters, Diplomat, Der Spiegel, TTXVN)
Gerhard Will, Carl Thayer, Lucio Caracciolo, Biển Đông, Trung Quốc