Tiêu dùng

Thịt heo thối, gà quá hạn 'đội lốt' bò viên

PN - Mỗi ngày, hàng trăm ký bò viên làm từ thịt gà nhập khẩu quá hạn nhào trộn với mỡ heo thối, vụn bò bẩn, bột sắn và các loại phụ gia Trung Quốc...

Các thùng thịt gà đông lạnh nhập khẩu đều hết hạn sử dụng từ ba tháng trước 

Những lô thịt bốc mùi

Ngày 9/6, Đoàn Kiểm tra liên H.Bình Chánh đã phát hiện tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Bảo 343kg vụn bò (cơ quan thú y nghi ngờ có thể là vụn heo), mỡ heo, nhiều lô đã bốc mùi; 660kg thịt các loại đã xay và 90kg thịt gà đông lạnh. Các nguyên liệu, phụ gia khác gồm bốn bao bột ngọt Trung Quốc tổng trọng lượng 100kg, không có nhãn phụ; 70kg đường Thái không có nhãn phụ cũng không có hóa đơn; 3,5 bao chất bảo quản cấm dùng (benzoate), khoảng 70kg. Kiểm tra hồ sơ pháp lý, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), công nhân chưa được khám sức khỏe, thiếu kiến thức VSATTP... Nguyên liệu để sản xuất của cơ sở không rõ nguồn gốc, không công bố chất lượng sản phẩm, dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh, nền nhà, tường, sàn dơ, không có thiết bị ngăn côn trùng tại nơi sản xuất...

Đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động của cơ sở ông Bảo; giao cho chính quyền địa phương giám sát, toàn bộ hơn 2,5 tấn tang vật chủ cơ sở tự nguyện tiêu hủy.

Bò viên làm từ... gà

Đó là khu nhà xưởng xập xệ nằm tại địa chỉ C2/19E2 ấp 3, xã Vĩnh Lộc A H.Bình Chánh, hàng ngày có khoảng bốn-năm công nhân mình trần tham gia sản xuất bò viên. Những dụng cụ chứa thịt và thành phẩm đều cáu bẩn. Ở một góc xưởng những bao phụ gia thực phẩm được xếp đống, hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bước vào căn xưởng này, nhiều người không khỏi choáng váng, nôn ói vì mùi thịt ôi thiu, những thứ nguyên liệu mà ít người nghĩ còn có thể dùng làm thực phẩm cho người.

Dù sản xuất bò viên, nhưng nguyên liệu để cơ sở này sử dụng lại chẳng mấy liên quan đến bò. Thành phần chính là thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil được mua tại một cơ sở nằm trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân) đã hết hạn sử dụng từ ba tháng trước, thịt gà được bỏ xương, xay lẫn với mỡ heo, vụn heo, vụn bò cùng tinh bột sắn và các loại phụ gia tạo mùi, tạo màu, chống mốc, chống nhớt, làm cho sản phẩm được giòn, dai. Nguồn nước sử dụng để sản xuất bò viên là nước ngầm khoan trực tiếp tại xưởng, kế bên dòng kênh nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc. Từ xưởng này, mỗi ngày trung bình từ 300-400kg bò viên được bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Bảo (SN 1984, quê Quảng Ngãi) cho biết, số thịt gà đông lạnh này cơ sở mua với giá chỉ 32.000đ/kg, được mối bán giao tận nơi. Đó là những thùng giấy carton trọng lượng khoảng 15kg/thùng, hoàn toàn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Số mỡ heo, vụn heo, vụn bò được cơ sở thu gom từ sạp thịt tại các chợ. Ông Bảo lý lẽ: “Gà mới được mua ba ngày trước nhưng tôi không biết đã quá hạn sử dụng. Trước giờ tôi làm hàng có để ý hạn sử dụng đâu...”. Ông Bảo cho hay, nguyên liệu đắt nhất là vụn bò với giá 65.000đ/kg, nhưng vụn bò chiếm tỷ lệ rất ít trong bò viên thành phẩm. Vì giá trung bình mỗi kg bò viên ông Bảo bán ra chỉ khoảng hơn 50.000đ.

Những bao phụ gia nguồn gốc Trung Quốc tại xưởng bò viên

Bò viên bẩn đi đâu?

Theo ông Bảo, khách hàng chính tiêu thụ bò viên của xưởng là đầu mối tại các chợ TP.HCM, Bình Dương và các xe bán bò viên, cá viên... di động trên khắp các tuyến đường, điểm ăn vặt... Dù ông Bảo nói trung bình mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường từ 300-400kg bò viên thành phẩm, nhưng ghi nhận của chúng tôi cho thấy, số bò viên thành phẩm trong ngày 9/6 lên đến hơn 1,2 tấn và chủ cơ sở xác nhận số hàng này được tiêu thụ hết trong ngày.

Điều khiến đoàn kiểm tra lo ngại không chỉ là những nguyên liệu hết hạn sử dụng, nguyên liệu ôi thiu thu gom từ các chợ mà còn là các loại phụ gia được trộn trong sản phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, những bao bột ngọt lớn (25kg/bao) bên ngoài chỉ có chữ Trung Quốc mà không kèm bất cứ nhãn phụ tiếng Việt nào. Những bao chứa sodium benzoate chất đống là loại phụ gia chống mốc, chống nhớt không được phép sử dụng cho các nhóm sản phẩm chế biến từ thịt. Các nguyên liệu khác (tinh bột mì, đường Thái Lan) không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc trôi nổi. Ngoài ra, còn các loại chất tạo mùi, màu và vị giòn, dai cho bò viên. Ông Bảo khai những thứ này mua từ các tiệm tạp hóa gần nhà.

Trong giấy phép kinh doanh của cơ sở, dù ngành nghề mua bán sản xuất bò viên, chả lụa, lạp xưởng, cá viên, xúc xích... do Ủy ban nhân dân H.Bình Chánh cấp, có ghi rõ “chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, nhưng xưởng của ông Bảo đã hoạt động hơn nửa năm nay mà chưa có giấy chứng nhận trên.

ĐĂNG THƯ

www.phunuonline.com.vn

heo thối, gá quá đát, thực phẩm bẩn, bò viên bẩn


© 2021 FAP
  225,517       1/933