Tiêu dùng

Thanh lý đồ cũ

PN - Cuối năm, nhiều món đồ thời trang giảm giá sẽ kích thích bạn mua sắm. Tuy nhiên, bạn cần thanh lý những bộ cánh cũ vào thời điểm thích hợp để chúng không bị “chết ngộp” trong tủ.

Nguyên tắc thanh lý

Tránh "để đó tính sau". Mớ hỗn độn đồ cũ có thể là hậu quả của tính hay trì hoãn, cũng là nguyên nhân vì sao bạn luôn cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian để chọn quần áo mỗi khi đi làm hay dự tiệc. Thay vì xử lý mọi thứ ngay lúc phát sinh, nhiều người lại gạt sang một bên với suy nghĩ “từ từ tính”. Nếu đã khá lâu bạn vẫn chưa có thời gian để vá lại chiếc váy bị rách hoặc đơm cúc áo thì chứng tỏ chúng chẳng còn cần thiết cho bạn nữa, tốt nhất hãy đưa chúng vào mục thanh lý.

Rà soát lại tủ quần áo. Bạn hãy rà soát sao cho một món trang phục có thể kết hợp ít nhất với ba món khác. Ví dụ: chiếc áo phối hợp với nhiều quần, váy hoặc giày dép. Nên lưu lại trang phục có màu sắc trung tính vì sẽ dễ dàng cho bạn trong việc phối với các trang phục, phụ kiện khác. Lưu ý, nếu giữ lại quá nhiều đồ đơn giản màu sắc và thiết kế, sẽ khiến tủ đồ của bạn bị tẻ nhạt và nhàm chán, nhưng nếu chỉ lưu giữ quần áo có thiết kế cầu kỳ thì sẽ khiến bạn khó phối.

Một vài món đồ cơ bản cần cân nhắc giữ lại như áo sơ mi, quần jeans, áo blazer, váy màu đen, chân váy, quần short, áo pull.

Ít nhưng hiệu quả. Tâm lý phổ biến là có nhiều trang phục hay phụ kiện sẽ cảm thấy “yên tâm” hơn mà không quan tâm đến chất lượng của chúng. Vì thế, nhiều người khó “bỏ bớt”. Tuy nhiên, nếu càng sở hữu nhiều món đồ, bạn càng ít chú ý chúng hơn, trong khi đó, sau đợt thanh lý, trong tủ quần áo chỉ là những món đồ bạn yêu thích, sẽ tạo cảm hứng cho bạn khi lựa chọn trang phục. Hãy mạnh dạn tặng bạn bè, người thân những quần áo cũ, nếu họ có nhu cầu.

Hãy mạnh dạn thanh lý những quần áo cũ chẳng còn cần thiết

Cẩn trọng khi mua hàng thanh lý

Đừng mắc bẫy mua sắm bằng hình thức so sánh giá. Các nghiên cứu cho thấy, nhiều người có khuynh hướng thích mua hàng giảm giá. Cụ thể, các cửa hàng, hay nhãn hiệu tạo hiệu ứng mua sắm bằng cách in cả giá cũ và giá mới của món hàng để thấy được sự chênh lệch. Để tránh mắc “bẫy” này, bạn nên tự đặt các câu hỏi: sẽ mặc ở đâu, mặc khi nào, có thể phối hợp với những bộ trang phục khác không… Trả lời được những câu hỏi này, bạn mới quyết định, ngược lại, bạn không nên thử chúng. Vì khi thử, nếu vừa vặn, bạn khó từ chối, dù có khả năng bạn chỉ dùng một lần, thậm chí không tìm được hoàn cảnh thích hợp để sử dụng.

Chỉ bán tại thời điểm nhất định. Các doanh nghiệp biết tận dụng sự khan hiếm cũng như hiểu được sự chờ đợi của bạn để sở hữu một sản phẩm nào đó. Chính vì thế, hình thức bán hàng trong ngày, hay trong một giờ kích thích sự thỏa mãn tò mò mua sắm của nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta thường bị chi phối bởi những thứ nhìn bắt mắt hơn là những thứ chúng ta cần. Đó là lý do đôi khi bạn “na” về những món đồ không biết bao giờ mới sử dụng.

Đừng mua sắm theo hội chứng “đám đông”. Đây là tâm lý chung mà ai cũng dễ dàng bị lôi kéo. Một cô bạn đồng nghiệp tậu được chiếc áo hoa đẹp mắt, ôm dáng vừa vặn với giá “hời”. Những người khác cảm thấy ưng ý, thế là kéo nhau đi sắm. Đừng quên rằng, chiếc áo hoa đó đẹp vì phù hợp với vóc dáng, làn da, và phong cách của cô bạn ấy, với bạn thì có thể “áo một đằng, người một nẻo”. Đáng tiếc, sự phát hiện này thường khá muộn.

 ANH THI

www.phunuonline.com.vn

dọn dẹp tủ áo, thanh lý đồ cũ


© 2021 FAP
  230,791       1/825