PNO - Các loại trái cây ngâm luôn là món khoái khẩu của nhiều chị em, giới trẻ- nhất là vào mùa nóng, mặt hàng này rất hút vì dễ ăn và giúp giải
Các loại trái cây ngâm trông rất bắt mắt, nhưng chất lượng thế nào thì chỉ có người bán mới biết. Ảnh H, Mỹ
Trên các con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Cừ (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), An Dương Vương (Q.5), nhất là những đoạn gần trường học là nơi “tập kết” của những xe bán trái cây ngâm. Thoạt nhìn, các loại xoài, cóc, me… ngâm trong các keo nhựa, thủy tinh có màu vàng ươm, rất bắt mắt dễ kích thích thị giác và vị giác của người đi đường.
Chỉ trong vòng hơn 30 phút, một xe trái cây ngâm di động trước cổng trường ĐH Khoa học tự nhiên có 7 lượt khách và khi trái cây ngâm trong keo vơi dần, cô bán hàng lấy bịch ổi ra, tay trần gọt vỏ ngay trên vỉa hè, không rửa lại và đổ số ổi này vào keo nhựa, ngâm chung với ổi cũ. Còn keo nước này đã "tồn tại" bao lâu thì khách không tài nào biết được.
Trái cây ngâm hay tươi, cũng được người bán dùnng "tay không bắt giặt". Ảnh H. Mỹ
Tương tự, trước cổng công viên Văn hóa Đầm Sen, đường Hòa Bình (Q.11) là địa điểm tập kết của nhiều xe trái cây ngâm. Để bịch cóc dưới đất, bất chấp nước cống đọng lại ẩm thấp, chị Trần Thị Cảnh cũng dùng tay trần gọt cóc, không rửa lại và thả vào hũ. Khi có khách, chị lau tay vội vàng vào chiếc khăn cũ- mà trước đó chúng tôi thấy chị dùng lau dao, mặt kiếng tủ rồi vớt trái cây bán cho khách, thu tiền và sau đó lại tiếp tục công đoạn gọt cắt. Quan sát, chúng tôi thấy bên dưới sàn xe trái cây để sẵn một hũ nước đục lờ nhờ. Chị Cảnh cho biết đây là nước dùng để châm vào các bình cóc, xoài, me ngâm khi nước cạn. Không rửa lại số cóc trên, chị Cảnh bỏ số cóc gọt được vô hũ nhựa, trộn lẫn với số cóc ngâm cũ. “Bao lâu chị thay nước ngâm trái cây một lần?”. Thấy chúng tôi hỏi, chị Cảnh lảng tránh câu trả lời.
Nhìn chung, ở hầu hết các xe hàng rong bán trái cây ngâm và cả trái cây tươi, cũng như các “đồng nghiệp” trên, mọi người đều “tay không bắt giặt” và hoạt động theo “quy trình”: hàng sắp hết thì cắt gọt vội vàng, không rửa hoặc rửa qua loa trong một xô nước đã ngả màu để ở gầm xe rồi “đổ xộn” vào keo. Người mua dù tinh mắt cách mấy cũng không thể biết thời gian, hạn dùng của những keo nước ngâm này.
Quá trình chế biến loại trái cây này cũng có “vấn đề”. Vào vai người học nghề, chúng tôi được chị T. (quê Quảng Nam, ở P. An Lạc, Q. Bình Tân). chia sẻ “bí kíp” làm món xoài ngâm: “Nấu nước sôi lên để nguội thì cho đường, muối và một ít nước mắm. Sau đó bỏ xoài vào, thỉnh thoảng đảo đều cho ngấm, xắt thêm ớt”. Và trong lúc thao thao bất tuyệt, chị “khai tuột: “Nếu ngâm để bán thì dùng nước từ vòi, khỏi nấu sôi, đỡ hao tiền, tốn công”.
Khi thắc mắc nên sử dụng loại đường nào ngâm trái cây, chị T. lấp lửng: “Dùng đường trắng hao lắm. Còn có loại đường khác… rẻ hơn, em muốn biết ra chợ mà hỏi”. Vờ không biết, tôi hỏi: “Là đường hóa học phải không chị?”. Chị vừa cười, vừa lườm tôi: “Biết rồi còn hỏi. Ai bán hàng này cũng thế cả em ạ, vấn đề là nhiều hay ít thôi”.
Các loại trại cây trông rất bắt mắt, tươi ngon, nhưng vấn đề vệ sinh thì "hên xui". Ảnh H. Mỹ
Có lẽ, với cách chế biến từ nước sống và “đường khác rẻ hơn” nên trái cây ngâm ở các xe hàng rong đều có độ ngọt, giòn đặc biệt và cũng dễ “phát sinh hậu quả nghiêm trọng”. Như trường hợp chị Nguyễn Ngọc Thúy (nhân viên văn phòng, Điện Biên Phủ, P.4, Q.3). “Tôi rất mê trái cây ngâm, nhất là cóc, ổi. Có lần tôi ăn liền 4 trái ổi vì nó rất giòn, ngọt làm mình khó dừng được. Ăn xong tôi thấy rất khô cổ, khát nước, hậu quả là tôi bị tào tháo rượt suốt đêm và bị mất tiếng, viêm họng”- chị Thúy kể- và từ đó, chị “cạch” luôn trái cây ngâm ở các xe hàng rong, “hoặc mình tự làm hoặc nhịn ăn”.
Còn các cô cậu học trò, là “tín đồ” của món ăn vặt không đảm bảo vệ sinh này nên không ít lần gặp tình trạng đau bụng, đi ngoài, nôn ói…, nhưng ít ai sợ, mà “ăn miết bụng tụi em cũng quen, mà có bị gì thì uống thuốc là hết”- em Nguyễn Thùy L.- học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói.
Bài và ảnh: H. Mỹ
trái cây ngâm, trái cây tươi, mất vệ sinh