PN - Theo quy định, từ ngày 1/7, người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) có đủ ba bộ phận lớp (gọi là ba lớp) gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ.
Dạo một vòng các cửa hàng, điểm bán MBH di động trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), Quốc lộ 1A (H.Bình Chánh)… có thể thấy, những loại MBH “đạt chuẩn” theo quy định mới được bày bán nhiều hơn.
Ghé vào một cửa hàng trên Quốc lộ 1A hỏi mua một chiếc MBH, ông chủ cửa hàng cho biết, chiếc rẻ nhất giá 80.000đ, nhưng nếu muốn rẻ nữa thì có loại 40.000đ. Tôi thắc mắc: “Loại này có an toàn không? Có bị phạt không?”. Ông chủ cửa hàng nói luôn: giá 40.000đ thì làm sao an toàn được. Tuy nhiên, ông khẳng định, đội loại này sẽ không lo bị phạt vì có đủ “ba lớp”.
Một điểm bán MBH di động trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) có hàng trăm chiếc MBH bề ngoài đẹp mắt, gọn, và chỉ nhẹ chừng 200-300g. Tuy nhiên, hầu hết là các loại MBH thời trang ba không: không có lớp mốp xốp giúp tản lực khi va đập, không tem chứng nhận phù hợp quy chuẩn CR, và không địa chỉ sản xuất. Người bán hàng cho rằng, đội loại MBH này sắp tới sẽ bị phạt nên giới thiệu cho chúng tôi một chiếc MBH ba lớp cùng giá 35.000đ.
Trong khi đó, tại một điểm bán MBH trước chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), người bán hàng giới thiệu loại mũ có đầy đủ ba lớp và có luôn cả tem chứng nhận phù hợp quy chuẩn - CR, nhưng không khẳng định mũ thật hay giả. Tuy nhiên, loại mũ này nhìn bề ngoài khá bắt mắt với kiểu dáng như nhiều loại đạt chuẩn khác. Thậm chí, những chi tiết được trang trí, cách điệu như quai đeo, kính chắn có màu… bắt mắt hơn cả hàng thật.
Nhìn sơ thì tem hợp quy CR có vẻ giống với loại MBH đạt chuẩn, tuy nhiên nếu nhìn kỹ, nét chữ in trên tem không được rõ ràng. Tem hướng dẫn sử dụng có đầy đủ nội dung nhưng nét chữ bị nhòe, khó đọc. Đáng chú ý, chiếc mũ này không có thông tin về doanh nghiệp. Mũ có trọng lượng rất nhẹ và lớp xốp khá mềm. Bên cạnh đó, với lớp nhựa ngoài mỏng, người tiêu dùng có thể dùng tay bóp méo chiếc mũ với một lực vừa phải.
Chiếc MBH này dù chỉ một lực nhẹ là có thể móp méo, thậm chí vỡ, song nó có đủ ba lớp
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM Nhựa Chí Thành, chi phí tối thiểu để sản xuất một chiếc MBH đạt chuẩn hiện không dưới 80.000đ, còn với sản phẩm không đạt chuẩn thì chỉ ở mức 20.000đ. Ông Chí cho biết thêm, loại mũ không đạt chuẩn hầu như sử dụng loại xốp dùng để sản xuất thùng xốp, lấy đầu ngón tay ấn nhẹ cũng có thể thủng.
Được biết, năm nay, các cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm từ khâu sản xuất, kinh doanh cho đến sử dụng. Tuy nhiên, hiện nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của quy định, bởi vào tháng 3/2013, các cơ quan chức năng cũng đã rầm rộ ra quân xử phạt người đội MBH không đúng quy cách.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH cũng tham gia nhiệt tình bằng cách tổ chức nhiều điểm đổi mũ, bán hàng có trợ giá cho người dân. Cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt xử lý hàng giả, hàng nhái, với hàng chục ngàn MBH không đạt chuẩn bị tịch thu, tiêu hủy… nhưng rồi đâu lại vào đấy, bởi phần “gốc” chính là các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn vẫn chưa bị xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm của người tham gia giao thông cũng là vấn đề nan giải đối với lực lượng cảnh sát giao thông, bởi không thể nào phân biệt được MBH có ba lớp hay không, khi quan sát từ xa.
Ca Hảo - Đăng Thư
Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện trong năm 2014 về độ an toàn MBH cho thấy, trong số 200 mẫu MBH mới, có tem đạt chuẩn được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn năm thành phố lớn ở Việt Nam để kiểm tra độ hấp thụ xung động (lực va đập vào MBH) thì chỉ 39,5% đạt yêu cầu. Tương tự, trong số 800 MBH đang sử dụng được đưa đi kiểm tra, chỉ có 15,8% đạt yêu cầu. Chỉ số an toàn quá thấp này khiến Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại về chất lượng MBH của Việt Nam, vì không đạt được mục đích chính là bảo vệ người đội mũ. |
Mũ bảo hiểm, phân biệt mũ bảo hiểm giả thật