Tiêu dùng

Thị trường vàng nữ trang: Chủ yếu là nghe ngóng

PN - Sau hai ngày quy định về tuổi vàng nữ trang có hiệu lực, đa phần các tiệm vàng chỉ mua bán cầm chừng, người mua cũng đi thăm dò là chính.

Ngày 3/6, tại Trung tâm thương mại Cái Khế, nơi tập trung nhiều tiệm buôn bán vàng nhất TP. Cần Thơ, các tiệm vàng đều rơi vào cảnh đìu hiu. Chị An Nhiên, chủ tiệm vàng Minh Phát, TP. Cần Thơ cho biết: “Thông tư 22 với nhiều quy định chặt chẽ về tỷ lệ sai số vàng làm các cửa hàng sản xuất bằng thủ công buộc phải đóng cửa vì khó đáp ứng nổi.

Hơn nữa, để xác định tuổi vàng theo thông tư này, các tiệm vàng phải trang bị máy định tuổi vàng bằng quang phổ, giá từ 600 triệu đồng trở lên, khi định tuổi vàng còn phải cán sản phẩm ra mới thử được tuổi nên nhiều khách không đồng ý”. Chị Kim Cúc, chủ tiệm vàng Lợi-Cúc, đường Phan Đình Phùng cho biết, trước đây, mỗi ngày tiệm của chị có khoảng gần 40 lượt khách đến giao dịch, nay chỉ lác đác vài người đến thăm dò rồi… về. Hơn nửa tháng nay, hầu như không có ai đến mua vàng “làm của”, làm đẹp như trước.

Theo chị Nhiên, Thông tư 22 cần quy định chi tiết hơn về tỷ lệ sai số vàng cho phép giữa các loại trang sức bọng và đúc. Hiện tại, thay vì trước đây các tiệm vàng chỉ niêm yết hai loại là vàng 24k và 18k thì nay, nhiều tiệm đã chia bảng chi tiết hơn: vàng 98%, 96%, 75% và 68%. Trong khi chờ đặt “mộc” để đóng tuổi cho vàng, trước mắt, một số tiệm vàng ở TP. Cần Thơ đã chủ động hạ tuổi vàng trên bảng báo giá, vàng 24k còn 23k, vàng trang sức 18k hạ còn 16k.

Nhiều người vẫn đắn đo chọn vàng nữ trang trong thời điểm này, mặc dù được tiệm vàng cam kết tuổi vàng - Ảnh minh họa

Tại TP.HCM, một số cửa hàng vàng khu vực chợ Gò Vấp không còn trưng bày nhiều sản phẩm nữ trang chế tác từ vàng (vòng, kiềng…) so với trước đây vài ngày. Ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Nghi, chỉ có hai người khách đang xem hàng. Dạo quanh một vòng các tủ trưng bày, họ ra về tay không. Một người khách cho biết, ngoài việc sản phẩm ít, chị phân vân không biết nên mua loại nào để khi cần bán lại không bị lỗ. Tương tự, tại tiệm Thanh Trúc - tiệm vàng khá lớn trên đường Minh Phụng, Q.6, khách cũng vắng vẻ. Một phụ nữ đang chọn mua nhẫn 24K loại năm phân ở tiệm vàng này cho biết, chị là công nhân, muốn mua vàng dành dụm, nhưng nghe có quy định mới nên băn khoăn, chưa dám mua.

Ông Ng.Kh.H., chủ tiệm vàng K.H. (đường Phạm Phú Thứ, Q.6) cho biết, có thể các tiệm vàng ít mẫu mã là do đã trả lại hàng ký gửi. Tiệm của ông H. trước đây nhận bán sản phẩm cho một số cơ sở gia công vàng trang sức với hình thức ký gửi nhưng trước ngày 1/6, nhiều sản phẩm đã được chủ cơ sở gia công thu hồi, do mức xử phạt quá cao (gấp 15 lần trị giá sản phẩm vi phạm). Theo ông H., đa phần sản phẩm ký gửi là trang sức được chế tác từ vàng non tuổi.

Ông Nguyễn Hoàng Chín, chủ tiệm vàng Kim Ánh (Q.11) cho rằng, Thông tư 22 quy định vàng 18K phải đạt 75% vàng nguyên chất, còn 24K là 99,99% nên với những sản phẩm tồn kho không đủ chuẩn thì ông bán theo tuổi thực của nó. Nếu khách hàng yêu cầu vàng đúng tuổi 18K hoặc 24K thì giá cao hơn, mua sản phẩm non tuổi thì giá khác. Hiện tiệm vàng của ông Chín còn tồn hàng ngàn sản phẩm nữ trang không đủ chuẩn, tương đương vài trăm lượng vàng.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho rằng, sau hai ngày Thông tư 22 có hiệu lực, đa số doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang trên địa bàn TP.HCM tuy buôn bán bình thường nhưng với tâm lý nghe ngóng là chủ yếu. Ông Dưng giải thích, vàng trang sức thường được đính kèm nhiều loại hột như Ruby, Saphia… nên không thể cạy ra làm lại. Do đó, giải pháp trước mắt của các doanh nghiệp hiện nay là làm giấy cam kết tuổi vàng khi bán ra nhằm tránh thiệt hại và tạo lòng tin với người tiêu dùng, trong lúc chưa thể đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để chế tác cũng như đo tuổi vàng một cách chính xác theo quy định của cơ quan quản lý.

 Ca Hảo - Đăng Thư - Hiền Dung

www.phunuonline.com.vn

vàng, thông tư 22 về tuổi vàng, thị trường vàng nữ trang


© 2021 FAP
  245,754       1/706