PN - Nhiều loại sữa bán lẻ tại thị trường TP.HCM đã bắt đầu giảm giá sau khi giá bán buôn chính thức thực hiện áp trần. Tuy nhiên, do giá bán lẻ đến ngày 21/6 mới áp dụng nên xảy ra tình trạng nơi giảm, nơi không.
Nhiều loại sữa bán lẻ đã bắt đầu giảm giá . Ảnh minh họa: internet
Khảo sát nhiều cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3) và các quận, huyện cho thấy, một số mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới sáu tuổi, nằm trong nhóm 25 sản phẩm sữa áp giá trần bán lẻ đã có sự điều chỉnh giảm giá.
Có sản phẩm giảm 70.000-90.000đ/hộp so với thời điểm trước ngày 1/6. Song mức giảm tại các cửa hàng có chênh lệch.
Cụ thể, sữa Similac GainPlus IQ 900g từ mức phổ biến 475.000-490.000đ/hộp giảm còn 412.000-420.000đ/hộp; sữa Nan GRO 900g từ mức 438.000-450.000đ/hộp giảm còn 345.000-355.000đ/hộp; Grow 3 (loại hộp thiếc 900g) giá từ 300.000-315.000đ/hộp giảm còn 270.000-278.000đ/hộp...
Theo thông tin từ Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam (MJN Việt Nam), doanh nghiệp này đã được Bộ Tài chính chấp thuận giảm giá bán lẻ từ 11-25,5% đối với dòng sản phẩm Enfa A+, và dòng sản phẩm mới - Enfa A+ 3600 Brain Plus… Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên chiều 12/6 tại một số cửa hàng có bán sản phẩm của MJN thì chưa có sự điều chỉnh giá bán lẻ.
Đối chiếu với mức giá trần bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính, hầu hết giá bán lẻ của các sản phẩm đã điều chỉnh đều không cao quá 15% so với giá bán buôn.
Chủ cửa hàng sữa Minh Lợi, đường Độc Lập, Q.Tân Phú cho biết, hiện mới chỉ có khoảng bốn-năm loại sữa trong nhóm 25 sản phẩm sữa áp giá trần của Bộ Tài chính được điều chỉnh giảm giá từ công ty hay nhà phân phối, còn lại là chưa điều chỉnh dù đa phần các công ty đã thông báo sẽ giảm.
Theo các chủ cửa hàng, một số sản phẩm của Abbott giảm từ những ngày cuối tháng Năm, còn lại số ít các sản phẩm khác thì sau ngày 1/6 mới bắt đầu giảm.
Tại TP.HCM có 13 đơn vị sản xuất và nhập khẩu sữa, thế nhưng đến nay mới chỉ có Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố giá trần bán buôn đối với 35 sản phẩm sữa (gồm năm dòng sữa nằm trong diện áp trần giá sữa của Bộ Tài chính và 30 dòng sữa Vinamilk tự đăng ký cho phù hợp). 35 sản phẩm này trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh giảm từ 6-23% (tương ứng với mức giảm từ 2.300-85.000 đồng/sản phẩm). 12 doanh nghiệp còn lại không công bố đúng hạn (11/6) với lý do gặp khó khăn trong việc tính toán áp giá trần. Sở Tài chính TP.HCM đã đề xuất Bộ Tài chính giãn thời hạn công bố giá trần bán buôn chậm nhất là đến ngày 21/6 cho 12 đơn vị này.
Theo bà Đào Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, 12 doanh nghiệp này không có thị phần lớn. Sở đã kiến nghị Bộ Tài chính cho 12 doanh nghiệp nêu trên thực hiện đăng ký lại toàn bộ sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới sáu tuổi, trong đó xây dựng lại các khoản chi phí trong cơ cấu giá thành.
Trên cơ sở đó, Sở tiến hành rà soát các khoản chi phí và cơ cấu giá thành của từng đơn vị để đề xuất mức giá bán buôn tối đa… Nếu được Bộ Tài chính chấp thuận, Sở sẽ triển khai sớm và khi có giá bán buôn, các doanh nghiệp sẽ xây dựng luôn giá bán lẻ ra thị trường.
Đối với việc kiểm tra giá bán buôn sau ngày 11/6 và giám sát giá bán lẻ sữa sau 21/6, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TP.HCM cho biết, sẽ phân cấp quản lý. Giá sữa bán lẻ thì các quận huyện kiểm tra, hậu kiểm các cửa hàng ở địa bàn mình, Sở sẽ quản lý giá bán sỉ.
Đăng Thư
sữa, áp giá trần sữa, sữa bán lẻ