Tiêu dùng

Gas: Văn bản chập chờn, thị trường rối

PN - Từ ngày 1/4, văn bản 290 của Sở Công thương TP.HCM nhằm thiết lập, đăng ký lại hệ thống phân phối, kinh doanh gas trên địa bàn thành phố bắt đầu có hiệu lực,

Ảnh minh họa: internet

Theo văn bản 290, sau ngày 31/3, các cửa hàng kinh doanh gas thuộc diện hộ cá thể ở TP.HCM nếu không chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp (DN) sẽ không được mua gas trực tiếp từ DN đầu mối mà chỉ được ký hợp đồng với cấp tổng đại lý và chỉ với một đơn vị duy nhất. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, quy định này đã được cơ quan chức năng thông báo đến từng DN và gần 1.000 cửa hàng thuộc diện bị điều chỉnh từ đầu năm.

Tuy nhiên, sáng 31/3, ông L., chủ cửa hàng gas T. (đường Hoàng Phan Thái, huyện Bình Chánh) cho biết, ông không hề nhận được thông báo nào của cơ quan chức năng về việc này. Vì thế, ông cũng chưa chuẩn bị hồ sơ để chuyển đổi cửa hàng của mình lên DN. Ông Liêm cho biết thêm, các đầu mối cung cấp gas không nói gì về điều này, ông vẫn đang ký hợp đồng mua gas của một công ty và một tổng đại lý. Tương tự, đại diện một cửa hàng gas ở đường Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân cũng cho biết, cửa hàng này ký hợp đồng trực tiếp với hai DN, nhưng cho đến sáng qua vẫn không nghe thông báo dừng hợp đồng cung cấp gas.

Mới đây, trong một cuộc họp giữa Sở Công thương TP với Chi hội Gas phía Nam, ông Đông cho biết, sẽ dời thời hạn áp dụng văn bản 290 đến ngày 30/6 thay vì 1/4 để DN và các cửa hàng có thêm thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, hiện Sở Công thương TP chưa có thông báo chính thức, nên về nguyên tắc, thời hạn hiệu lực của văn bản 290 vẫn bắt đầu từ ngày 1/4.

Giám đốc một DN kinh doanh gas theo mô hình phân phối trực tiếp cho các cửa hàng thừa nhận, theo văn bản 290 thì lẽ ra sau ngày 31/3, DN của ông sẽ phải ngừng cung cấp gas cho các cửa hàng. Tuy nhiên, DN của ông vẫn cung cấp gas bình thường như trước. “Văn bản 290 yêu cầu là vậy, nhưng cơ quan quản lý lại không có chế tài xử lý nên gần như các DN vẫn bán hàng bình thường”, vị này nói.

Có thể thấy, văn bản 290 của Sở Công thương không “ép phê” gì với các DN, kéo theo nhiều cửa hàng cũng không tuân thủ. Mục đích của văn bản này là nhằm thiết lập lại hệ thống phân phối cũng như mô hình kinh doanh gas theo hướng trật tự hơn. Tuy nhiên, ngoài việc chấp hành văn bản không nghiêm, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường gas đang rối lên vì sự cạnh tranh địa bàn, giành khách của nhau. Báo Phụ Nữ từng phản ánh tình trạng đại lý “cát cứ” kinh doanh gas bằng cách chặn đường dọa đánh người của đại lý khác đi giao hàng. Theo bà Trần Ngọc Cúc, chủ cửa hàng gas Phương (đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc A, Q.Bình Tân), khoảng một tuần nay, tình trạng các đại lý đi giành mối diễn ra rầm rộ hơn. Chỉ riêng ở khu vực P.An Lạc A, hàng ngày có đến ba đội chuyên đi dán tem nhằm giật khách hàng của những đại lý khác. “Ba đại lý này thuộc ba hiệu gas khác nhau, giả vờ đến nhà khách hàng, xưng là nhân viên chăm sóc, xem an toàn của bình gas, rồi dán tem hiệu gas chồng lên tem cũ. Thậm chí, họ còn cho rằng gas của đại lý khác là gas lậu, vỏ bình bị rỉ sét...”, bà Cúc bức xúc.

Tình trạng cạnh tranh không chỉ diễn ra ở những cửa hàng, mà ngay cả tổng đại lý cũng bắt đầu rục rịch. Theo các chủ cửa hàng, nhiều tổng đại lý gần đây mời chào rất nhiệt tình, cam kết với cửa hàng là không bán lẻ để tránh cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng. Hiện, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 20 tổng đại lý chính thức, nhưng số lượng không chính thức thì chưa được thống kê. Thực tế này cho thấy, nếu không có chế tài cụ thể, văn bản 290 của Sở Công thương không những không phát huy tác dụng mà có thể khiến thị trường gas càng thêm loạn vì tranh giành khách lẫn nhau.

 Ca Hảo

www.phunuonline.com.vn

Gas, giá gas, gas tăng giá, thị trường gas


© 2021 FAP
  326,123       3/1,322