PN - Ngày 26/3, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không chế biến thức ăn từ các loại nấm mọc hoang dại quanh vườn nhà, trong rừng, khe suối…
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ăn nấm mọc hoang (ảnh internet)
Chỉ trong hai tuần vừa qua, tại các tỉnh phía Bắc đã có bảy người tử vong do ăn phải nấm hoang dại. Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu (TP.HCM), người có nhiều năm nghiên cứu các loại nấm ở Việt Nam cho rằng, đây là điều bất thường vì chưa đến mùa mưa mà số người tử vong do nấm độc đã tăng cao.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ ngày 27/3, ông Trọng miêu tả rõ các loại nấm độc rất dễ phát hiện vào mùa xuân ở phía Bắc hay mùa mưa ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Những loại nấm này có thể gặp ở ven đường, bãi cỏ, bụi rậm, trong vườn nhà, dọc đường đi và nhiều nhất là ven rừng. Ngay cả ở những thành phố lớn, nếu có bãi cỏ, vườn cây... nấm vẫn có thể mọc sau mỗi đợt mưa. Nấm hoang dại có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Muốn biết nấm có độc tố phải cần tới các trang thiết bị của phòng thí nghiệm.
Ông Trọng khuyên, để tránh nhầm lẫn, người dân tuyệt đối không hái các loài nấm mọc hoang nếu không thực sự biết chắc chắn đó là nấm gì. Các loài nấm độc mà người dân thường hay bị ngộ độc ở nước ta hơn 90% là các loài nấm thuộc chi Amanita, đây là chi có khá nhiều loài nấm độc như: Amanita verna, Amanita phalloides, Amanita muscaria...
Rất nhiều người dân cho rằng, nấm độc là những loài nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi khó ngửi... dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Thật ra, các loại nấm độc gây ra các vụ ngộ độc đều là các loài nấm có màu sắc trắng muốt hoặc vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu như mật ong... Có thể kể như Amanita verna có màu trắng, Amanita phalloides có màu vàng nhạt đến vàng đất. Do cộng sinh với các cây gỗ nên thường mọc thành từng đám, mật độ dày hoặc rải rác chung quanh các gốc cây. Các loài trong chi Amanita có đặc điểm hình thái rất dễ nhận biết là luôn có vòng cổ trên cuống, gốc cuống luôn có bao gốc, đôi khi trên mũ nấm còn rải rác các vảy, vết tích của vòng bao nấm còn sót lại.
Một trường hợp bị ngộ độc nấm độc đang được điều trị tại BV
Ghi nhận trên thị trường, các loại nấm bán ở các chợ hiện hầu hết là nấm trồng (ngoại trừ nấm mối và nấm tràm là được thu hái tự nhiên). Các chuyên gia cho rằng, với nấm trồng, người tiêu dùng chỉ cần lưu ý về tuổi nấm như nấm có già không, tai nấm có “bung dù”, có bị nhầy nhớt do nhiễm khuẩn...
Ông Cổ Đức Trọng cho biết thêm, các nhà khoa học phân ra tám nhóm chất độc có ở nấm. Khi ăn phải nấm độc, có rất nhiều dấu hiệu nhận biết.
Chẳng hạn: đau bụng, nôn mửa dữ dội, hôn mê và thường tử vong khi ăn phải nấm độc thuộc nhóm Amanitoxin. Nhóm Gyromitin gây cảm giác sưng phù, chuột rút, uể oải, thiếu kiểm soát cơ. Nhóm Orellain gây triệu chứng khát nước, khô môi, đau lưng, nôn mửa… Nhóm Muscarine gây co thắt đồng tử, ảo giác, tụt huyết áp... Nhóm Muscimol gây triệu chứng co bắp thịt, hôn mê, ảo giác. Nhóm Coprine làm mặt và cổ nóng, tay tê cóng, tim đập mạnh... Nhóm Psilocybin và Psilocin gây ảo giác, cười vô ý thức. Các triệu chứng ngộ độc xảy ra càng sớm sau khi ăn càng dễ cứu chữa. Nếu triệu chứng xảy ra sau 12 giờ ăn thì khả năng cứu chữa rất thấp vì chất độc đã vào máu. Khi bị ngộ độc nấm, điều đầu tiên là phải làm người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đăng Thư – Ca Hảo
Nấm độc, ngộ độc nấm, Thạc sĩ Cổ Đức Trọng