Tiêu dùng

Quyền an toàn của người tiêu dùng chưa được quan tâm

PNO - Tại buổi tọa đàm “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Hội Bảo vệ người tiêu dùng

NTD được hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả- đây là một trong những cách bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ảnh Nguyễn Cẩm

Theo ông Phan Khánh An - đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, quyền an toàn về tính mạng, sức khỏe và pháp lý của người tiêu dùng (NTD) chưa được quan tâm thích đáng. Thực tế, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo an toàn cho NTD vẫn được bày bán tràn lan. Ví dụ: NTD đối diện với nguy cơ sử dụng phải thực phẩm, tân dược dỏm hàng ngày; NTD mua bảo hiểm nhân thọ nhưng bên bán chỉ chi trả ung thư tại chỗ chứ không trả ung thư di căn trong khi trong hợp đồng không ghi rõ… “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, nhiều nghị định hướng dẫn bảo vệ NTD đều đề cập đến quyền của NTD, nhưng đến nay, quyền của NTD vẫn bị vi phạm”, ông An nói.

Ông Ngô Bách Phong – Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM nêu: sức khoẻ, tính mạng, quyền lợi hợp pháp, tài sản, không gian sống… của NTD vẫn luôn bị xâm hại, chiếm đoạt bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không giữ chữ tín, làm ăn gian dối, cố tình buôn bán sản phẩm giả, gian, kém chất lượng. “NTD phải đối đầu với nhiều hình thức lừa đảo trong các dịch vụ sức khỏe, dịch vụ tài chính, kinh doanh qua mạng, giao dịch điện tử, bán hàng tại nhà, mua hàng trả góp... Có thể nói hàng ngàn sản phẩm thông dụng, thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của con người lại đang bị làm gian, làm giả, kém chất lượng, bị “thổi lên” với những giá trên trời, với những thủ đoạn kinh doanh, dịch vụ gian dối và lừa đảo NTD”, ông Phong nhấn mạnh.

Nhiều vụ mua bán hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện (ảnh internet)

Dù là nạn nhân của nạn hàng gian, hàng giả, nhưng NTD vẫn thường im lặng. Ông Nguyễn Thành Danh – Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết, qua công tác chống hàng giả, trực tiếp gặp NTD bị xâm phạm quyền lợi mới thấy kiến thức pháp luật về quyền được bảo vệ của NTD còn niều hạn chế. Thậm chí, nhiều NTD biết là hàng giả mà vẫn mua, như hàng thời trang giả các thương hiệu. Nghiêm trọng hơn, khi NTD mua nhầm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả gây nguy hại đến sức khỏe.

“Để bảo vệ quyền an toàn của NTD, cả nhà sản xuất, kinh doanh; cơ quan chức năng và NTD đều có trách nhiệm. Doanh nghiệp (DN) cần thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng cho NTD biết sản phẩm chính hãng để dễ phân biệt với hàng nhái, giả và phốp hợp với cơ quan chức năng xác minh hàng thật, giả để có cơ sở xử lý, vì chỉ có nhà sản xuất mới biết được hàng nào thật, hàng nào giả. Thực tế, nhận thức của DN trong việc phối hợp với cơ quan chức năng còn thấp bởi DN sợ ảnh hưởng đến uy tín. Đặc biệt, các DN có vốn đầu tư nước ngoài không muốn công bố cách phân biệt hàng thật, giả vì sợ phản tác dụng”, ông Danh nói.

 Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

hàng nhái, hàng giả, quyền lợi người tiêu dùng


© 2021 FAP
  326,203       6/1,186