PNO - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã chính thức giảm 0,44% so với tháng trước và đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm qua.
Giảm giá, bán rẻ nhưng tình trạng mua bán ở chợ đêm vẫn ế ẩm. Ảnh H. Mỹ
Những năm trước, không chỉ mùa Tết, mà kể cả ngày thường hay cuối tuần, không khí khu chợ đêm Minh Phụng (Q.6) luôn náo nhiệt, người bán mời chào, rao hàng inh ỏi, người mua chen lấn, nhích từng bước khó khăn. Thế mà, tối 24/3, chợ đêm này khá đìu hiu. Khách thì lưa thưa, còn người bán tụm năm tụm ba nói chuyện, số khác ngồi ngáp ngắn, ngáp dài. Có gần chục sạp hàng đóng cửa im ỉm, theo những người bán xung quanh thì các sạp này trả lại mặt bằng vì quá ế ẩm. Còn những người bán “chui” bên ngoài cổng chợ cũng trong tình trạng ế dài.
Chị Cao Thu Hường, bán quần áo lót cho biết: “Hồi Tết bán còn đỡ, giờ chiều dọn ra rồi lại dọn vô. Hôm nào may mắn lắm bán được một hai trăm ngàn”. Không chỉ quần áo, các mặt hàng túi xách, giày dép, dây nịt, cột tóc…cũng chung cảnh ngộ. Thậm chí, nhiều tiểu thương thay đổi “chiến thuật” mua bán, nhằm thu hút khách nhưng vẫn không ăn thua. Trước đây, lúc đông khách, chợ này có “truyền thống nói thách”, nhưng dạo này, lượng khách ít hẳn nên người bán không dám hét giá. Một số mặt hàng áo thun ba lỗ, áo dây mát mẻ, thích hợp với thời tiết nóng bức mùa hè, giá chỉ từ 20.000-30.000đồng/cái nhưng vẫn không có khách mua.
Tương tự, tại chợ khu chợ đêm Bình Tây (Q.6), số sạp hàng đóng cửa đã giảm hơn một nửa. Từ 7 giờ tối, các gian hàng vắng ngắt, xe cộ có thể chạy thoải mái trong chợ. Một số người bán ở đây đang tìm người sang sạp.
Từ sạp hàng tạm bợ đến kios thời trang cũng chung cảnh ngộ: ế và đóng cửa. Ảnh H. Mỹ
Ngay cả, con phố Nguyễn Trãi (Q.5) nổi tiếng là thiên đường mua sắm, trong đó tập trung nhiều nhất là mặt hàng quần áo- từ shop đến vỉa hè nay cũng vắng vẻ. Từ đầm ngắn, đến đầm dài, áo thun, cotton… đủ màu, đủ kiểu chỉ từ 200.000đồng đổ lại, nhưng vẫn không có khách mua. “Cả tháng nay, thấy người bán đông hơn người mua”, một chủ hàng quần áo di động trước trường ĐH Sài Gòn thở dài nói.
Không chỉ có các shop thời trang, mà các cơ sở may cũng chung số phận.
Để khắc phục tình trạng ế ẩm này, chị Thiên Hồng, chủ cơ sở may Thiên Hồng (Ngô Sỹ Liên, P.13, Q.8) đã chủ động tham gia hầu hết các hội chợ lớn nhỏ trong nước. Tuy nhiên, cách làm này không hẳn là giải pháp hữu hiệu. Chị Hồng cho biết, suốt một tuần bàn hàng ở Cung văn hóa lao động, chị chỉ bán được vài triệu đồng, không đủ tiền trang trải chi phí. Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây, tôi có một gian hàng ở trung tâm thương mại Thuận Kiều, nhưng ế quá, không kham nổi mặt bằng nên đóng cửa. Tôi chuyển qua bán ở hội chợ và bỏ mối cho các shop. Thế nhưng, tình hình khó khăn chung, các shop hạn chế lấy hàng, hoặc có lấy thì gối đầu và nợ kéo dài nên tôi cũng nản. Vì quần áo may theo mùa và model. Nếu qua đợt, bán không hết để tồn kho, coi như mất trắng luôn”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Nam (Quốc lộ 50, Q.8), mở tiệm may tại nhà. Trước đây, chủ các shop thời trang thường đưa mẫu đặt chị Nam may. Mỗi một kiểu, chị may từ 10-20 bộ. Trung bình một tháng, chị may khoảng 300 bộ quần áo. Tầm này năm ngoái, cửa tiệm của chị vẫn khá đông khách. Nhưng năm nay, chỉ còn vài chủ shop đặt may dăm bộ đầm, váy. Hiện, để duy trì hoạt động của cửa hàng, chị nhận sửa quần áo cũ là chính. “Khách đến thay dây kéo, cắt ngắn, thu nhỏ ống, lưng quần, chứ ít người may mới lắm”- chị Nam nói.
Kinh tế khó khăn, với nhiều người tiêu dùng, quần áo được xem là mặt hàng xa xỉ. Nếu tình trạng ế ẩm này kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng như chủ cửa hàng thời trang sẽ phải “sống mòn” và rất có thể không trụ nổi như tâm sự của chị Nam, chị Hồng.
Bài, ảnh H.Mỹ
thời trang, cửa hàng thời trang, shop, chợ đêm ế ẩm