PN - Việc Bộ Tài chính công bố thanh tra giá sữa đối với năm doanh nghiệp (DN) sữa chiếm thị phần lớn đang khiến người tiêu dùng hy vọng vào một kết quả minh bạch, thỏa đáng.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá sữa tăng được cho là “bất thường” đã diễn ra nhiều năm, đồng thời người đứng đầu của Bộ Tài chính cũng cho biết, việc quản lý giá sữa từ trước đến nay được làm “rất nghiêm túc và quyết liệt”. Như vậy giá sữa tăng cao có còn là bất thường? Ngoài ra, tình trạng nhiều DN sữa vừa kê khai, dù chưa biết có chấp thuận hay không, vừa tăng giá theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, chẳng lẽ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) không biết?
Trước thông tin kiểm tra của Bộ Tài chính, ông Đỗ Thanh Tuấn - Trưởng ban Đối ngoại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk cho biết, công ty này nhập nguyên liệu về sản xuất nên giá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Dù vậy, Vinamilk vẫn cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Theo đó, sau thời gian cả năm 2013 thực hiện chương trình bình ổn giá, từ ngày 10/2/2014 Vinamilk buộc phải điều chỉnh giá bán một số loại sản phẩm, bình quân tăng khoảng 5-6% để bù đắp một phần chi phí cho sản xuất năm 2013, do giá nguyên vật liệu các loại nhập khẩu tăng từ 18-51%; giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân trong nước tăng khoảng 22% so với đầu năm 2013. “Việc điều chỉnh giá bán này là để bù đắp một phần chi phí sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
Ảnh: Phùng Huy
Tương tự, ông Trương Văn Toàn - Giám đốc Đối ngoại và pháp lý của Công ty FrieslandCampina Việt Nam cũng khẳng định không có việc bắt tay tăng giá sữa giữa các công ty. FrieslandCampina Việt Nam đã kê khai và có dự kiến điều chỉnh giá bán 16 sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ ngày 25/2/2014. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa điều chỉnh giá sản phẩm nào và đang cố gắng nỗ lực kiểm soát chi phí nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Bà Gift Samabhandhu, Tổng giám đốc Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam khẳng định: Công ty Mead Johnson Nutrition đã chấp hành đúng quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, chính thức gửi văn bản kê khai giá với Cục Quản lý giá vào ngày 5/12/2013, đúng một tuần trước khi chính sách giá của chúng tôi có hiệu lực vào ngày 12/12/2013. Theo bà Gift Samabhandhu, một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thay đổi về giá - trung bình khoảng 7% đối với các sản phẩm - chính là chi phí nhập khẩu của các sản phẩm đã tăng gần gấp đôi kể từ ngày 1/8/2013, do giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng đáng kể từ đầu năm 2013. Thêm vào đó, chi phí quản lý và điều hành - bao gồm chi phí kiểm soát chất lượng, chi phí nghiên cứu và phát triển, cải tiến về thành phần dưỡng chất và bao bì đã tăng, nên công ty phải điều chỉnh giá.
Những phát biểu trên sẽ "hậu xét" và họ phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Tuy vậy, một số cửa hàng chuyên doanh sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM) cho biết, chính họ cũng rất bức xúc trước việc giá sữa liên tục và đồng loạt tăng. Dù giá sữa tăng thì mức lợi nhuận của cửa hàng vẫn không tăng theo, còn sức mua thì chậm hẳn. Đáng nói là, động thái tăng giá của các DN thường “nối đuôi” nhau nên nghi vấn về sự “bắt tay tăng giá” không phải là không có lý. Nếu tăng giá là do giá nguyên liệu tăng thì tại sao các hãng sữa khác không tăng mà chỉ có các “ông lớn” tăng? Thực tế, trong đợt tăng giá này, rất nhiều hãng sữa không tăng giá, thậm chí vẫn tiếp tục thực hiện bình ổn giá theo cam kết.
Mới đây, Bộ Tài chính đang tính đến phương án áp giá trần cho giá sữa. Vinamilk cho rằng, nếu cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc áp giá trần thì DN sẽ tuân thủ nghiêm túc, nhưng đề nghị áp dụng cho tất cả các DN trong cũng như ngoài nước.
Bộ Tài chính cần sớm làm rõ vấn đề này, đừng để “ông nói bà, gà nói vịt”, hậu quả là người tiêu dùng “lãnh đủ”.
Cẩm-Thi
giá sữa tăng