Tiêu dùng

Tầm soát vi rút cúm trên sản phẩm gia cầm

PNO – Ngày 25/2, tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú Y TP.HCM cho biết:

Chim cút được đưa vào TP.HCM tiêu thụ nhưng chưa qua kiểm dịch

Đại diện Sở NN &PTNT TP.HCM cho biết, Chi cục Thú Y 21 tỉnh khu vực Đông và Tây Nam Bộ đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thú y. Trạm Thú Y các quận huyện của TP giáp ranh với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai ký kết liên tịch trong công tác phòng chống dịch, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vùng giáp ranh.

Trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, Chi cục Thú Y TP.HCM và các tỉnh phối hợp kiểm tra các cơ sở giết mổ gia cầm cung cấp cho thị trường TP.HCM. Trong đó, chỉ có các cơ sở giết mổ công nghiệp mới được phép đưa về TP tiêu thụ; sản phẩm gia cầm giết mổ từ các tỉnh phải đăng ký thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả, đến nay, Long An có 19 thương hiệu (16 cơ sở giết mổ); Đồng Nai có 14 thương hiệu (12 cơ sở giết mổ), Bình Dương có 7 thương hiệu (7 cơ sở); Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 thương hiệu (3 cơ sở); Tây Ninh có 5 thương hiệu (5 cơ sở); Tiền Giang có 6 thương hiệu (6 cơ sở). Sản phẩm gia cầm sau khi giết mổ phải vận chuyển bằng xe chuyên dùng, phải đăng ký khai báo kiểm dịch đối với cán bộ thú y tại TP để kiểm tra.

Người tiêu dùng e dè với những sản phẩm gia cầm bán ở chợ

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại: sự trao đổi thông tin dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm giữa các tỉnh chưa thường xuyên. Công tác cung cấp thông tin kiểm dịch xuất tỉnh chưa kịp thời. Vẫn còn tình trạng giết mổ vịt không theo dây chuyền công nghiệp, giết mổ vịt và gà trong cùng 1 cơ sở giết mổ, là nguy cơ vấy nhiễm vi rút cúm từ vịt sang gà tại cơ sở giết mổ rất cao (như: Cơ sở Ngọc Hà, Long An). Các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện vệ sinh trong giết mổ, bảo hộ lao động cho công nhân trong quá trình giết mổ, việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng nước, trong và sau khi giết mổ.

Từ đầu năm đến nay, TP tiếp nhận hơn 3.000 tấn thịt gà, tương đương 2,1 triệu con (bình quân 42.779 con/ngày). Trong đó, chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai (52,46%), Bình Dương (22,77%), Long An (22,53%), Tiền Giang (2,22%)... Riêng thịt vịt, TP tiếp nhận gần 1.000 tấn, tương đương gần 600 con (bình quân 12.126 con/ngày), chủ yếu từ Long An (93,49%), Tây Ninh (1,10%), Bình Dương (0,56%)... Hơn 60.000 con chim cút được nhập vào TP.HCM (bình quân 1.245 con/ngày),  Long An (81,94%), Bình Dương (18,06%)...Ở mặt hàng trứng gia cầm, TP đã tiếp nhận hơn 160 triệu quả từ các tỉnh, trong đó chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…

Để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, hầu hết các đại biểu cho rằng, cần kịp thời thông tin tình hình dịch cúm gia cầm giữa các tỉnh, đặc biệt khi xảy ra các ổ dịch tại khu vực giáp ranh để phối hợp phòng chống, tránh các trường hợp người dân bán gia cầm bệnh hoặc vứt xác gia cầm bệnh, chết ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh…

Các đại biểu đều cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch cúm gia cầm

Bên cạnh đó, các tỉnh tăng cường lấy mẫu giám sát trên đàn gia cầm từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, đặc biệt là đàn gia cầm, thủy cầm nhập về các cơ sở giết mổ, nhằm đảm bảo nguồn gia cầm an toàn cung cấp cho thị trường, góp phần hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi. Phối hợp trong công tác tuyên truyền các mô hình tốt trong chăn nuôi, giết mổ, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; gắn kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm gia cầm an toàn. Ông Thảo nhấn mạnh: “Trong trường hợp phát hiện mẫu gia cầm dương tính, sẽ phản hồi thông tin cho Chi cục Thú Y các tỉnh. Phối hợp, triển khai đồng bộ và thống nhất hành động giữa các tỉnh trong khu vực để khống chế kịp thời dịch bệnh, hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người”.

Tin, ảnh Nguyễn Cẩm

www.phunuonline.com.vn

cúm gia cầm, tầm soát vi rút cúm, sản phẩm gia cầm


© 2021 FAP
  326,977       5/1,772