Tiêu dùng

Sợ cúm, chê thịt gia cầm

PN - Lo ngại dịch cúm gia cầm, nhiều người tiêu dùng đã nói không với việc sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm, khiến giá mặt hàng này liên tục sụt giảm.

Giảm từ trại đến chợ

Theo anh Nguyễn Hữu Duyên, chủ hộ nuôi gà tại ấp Đông Hòa, Dĩ An (Bình Dương), giá gà công nghiệp xuất chuồng trong những ngày này chỉ còn 27.000 - 29.000đ/kg, giảm 4.000đ so với cách đây ba tuần. Với mức giá trên, người nuôi phải chịu lỗ ít nhất 7.000đ/kg. “Dù giá giảm sâu nhưng gọi thương lái đến mua, ai cũng chần chừ vì hàng tồn còn nhiều…” anh Duyên than.

Tại các chợ, thịt và trứng gà, vịt, chim cút cũng giảm ít nhất 2.000 - 3.000đ/kg, nhưng theo nhiều tiểu thương, việc buôn bán vẫn ế ẩm. Chị Thư, chủ quầy thịt gà, vịt tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, các mối hàng lớn như bếp ăn công nghiệp, quán ăn đều đồng loạt giảm mua hàng vì khách đến quán ngại ăn gà vịt, chuyển sang gọi các loại thực phẩm khác. Giá gà công nghiệp tại các quầy từ 53.000 - 54.000đ/kg giảm xuống còn 49.000 - 50.000đ/kg, vịt nguyên con làm sẵn còn 61.000đ/kg, chim cút 82.000đ/kg, trứng gà chỉ dao động ở mức 20.000 - 21.000đ/chục… Các chợ khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Tại hệ thống các siêu thị, một số doanh nghiệp cung ứng mặt hàng này đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá. Cụ thể, tại siêu thị BigC, mặt hàng gà ta Thanh Bình từ ngày hôm nay (24/2) khuyến mãi giảm từ 94.900đ/kg xuống còn 88.900đ/kg, giảm 5.000đ/kg…

Các quầy hàng bán sản phẩm gia cầm trong cảnh đìu hiu. Ảnh chụp lúc 10g ngày 23/2 tại chợ Bến Thành - Ảnh: P.Huy

Thịt sạch cũng vạ lây

Giám đốc một doanh nghiệp giết mổ lớn tại TP.HCM cho biết, lượng sản phẩm gia cầm bán ra trong tuần qua đã sụt giảm ít nhất 10-15% so với trước khi xuất hiện thông tin dịch bệnh. Ngoài nguyên nhân sức tiêu thụ sản phẩm gia cầm trước và sau Tết sụt giảm khiến lượng tồn kho của các doanh nghiệp cao, còn có lý do người tiêu dùng bị tác động tâm lý từ thông tin cúm gia cầm. Đại diện doanh nghiệp này ước đoán, trong tổng số trên 120.000 con gà, vịt tiêu thụ một ngày ở thị trường TP.HCM, lượng sản phẩm trái phép chỉ chiếm khoảng 5-10%, còn lại đều từ các doanh nghiệp kinh doanh giết mổ. Để sản phẩm bán được ra thị trường, những doanh nghiệp này phải đáp ứng đúng các yêu cầu về an toàn vệ sinh lẫn dịch bệnh.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, hầu hết lượng gia cầm và sản phẩm gia cầm tiêu thụ tại TP hiện nay đều do các doanh nghiệp chế biến, giết mổ lớn (C.P, Huỳnh Gia Huynh Đệ, Thanh Bình, Bình Minh, Ngọc Hà…) nắm giữ. Sản phẩm của các đơn vị này có nguồn hàng lấy từ vùng nuôi của TP hay các tỉnh và đều phải đảm bảo vấn đề kiểm tra an toàn, được đóng gói, bảo quản trong thùng lạnh đúng yêu cầu của cơ quan thú y, có giấy xác nhận kiểm dịch… người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng. “Rủi ro chỉ xảy đến với những người mua gà, vịt ở những điểm giết mổ trái phép, chưa qua kiểm dịch hay người dân mang gà, vịt từ các tỉnh về TP, vì rất nhiều tỉnh thành quanh TP.HCM đã xuất hiện các ổ dịch…” ông Thảo nói.

 Đăng Thư

www.phunuonline.com.vn

cúm gia cầm, chê thịt gia cầm, thịt gia cầm ế


© 2021 FAP
  327,087       3/973