Tiêu dùng

Nguy cơ tái xuất dịch bệnh lây từ gia cầm, gia súc

PN - Bất chấp lời cảnh báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc bệnh liên cầu lợn và dịch cúm gia cầm có thể trở lại vào dịp Tết, nhiều cơ sở giết mổ gia cầm,

Người tiếp xúc với thịt, nội tạng lợn dễ mắc bệnh liên cầu lợn (Ảnh mang tính minh họa -CTV)

Bán lề đường, giết mổ tại chỗ

Ngày 7/1, khu chợ tự phát đường Phạm Ngũ Lão - bên hông chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM) vào buổi sáng tấp nập người mua. Chợ tự phát này bán thịt heo, thịt bò, thịt gà, thịt vịt làm sẵn. Giá thực phẩm ở đây rẻ hơn trong nhà lồng chợ từ 2.000 - 3.000đ/kg. Người dân ghé mua vì thấy rẻ hơn và tiện đường, có vẻ chưa quan tâm thịt đã được kiểm dịch hay chưa.

Trên đường Phan Văn Đối (nối hai xã Bà Điểm và Vĩnh Lộc, H.Hóc Môn, TP.HCM) có một chợ tự phát bán gia cầm với gần 20 quầy gà vịt sống. Người bán thường bán nguyên con, giá từ 120.000 - 140.000đ/con, giết mổ, làm lông tại chỗ. Khi được hỏi nguồn gốc, người bán nào cũng cho biết, gà vịt được nuôi tại các tỉnh miền Tây đem lên, “không ăn thức ăn tăng trọng, đảm bảo không dịch bệnh”. Một người bán tại đây cho biết: “Muốn mua bao nhiêu cũng có, đặt hàng trước ba ngày. Lấy trên 10 con sẽ giảm giá 10%”.

Tương tự, một số điểm bán hàng khác như đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), chợ Cầu (Q.Gò Vấp), cầu Mỹ Thủy (Q.2)… đều có bán gà vịt sống, làm tại chỗ khi khách có nhu cầu. Một số chợ tự phát ở đường Hồ Học Lãm, khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức), khu công nghiệp Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh)… vào buổi chiều rất đông người bày bán thịt heo, bò, gà, vịt nhưng đa phần thịt đều có mùi ôi thiu, miếng thịt trắng tái. Người bán vừa rao vừa cầm cây có cột túm ni lông để đuổi ruồi. Giá hầu hết các mặt hàng đều thấp từ 5.000 - 10.000đ/kg so với thị trường, tất cả đều bày bán sát đường và tràn xuống lòng đường nên thu hút rất đông công nhân, những người đi làm về ghé mua.

Cùng ngày, chúng tôi có mặt tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, cảnh giết mổ gia cầm vẫn diễn ra tràn lan. Chợ tạm Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội chỉ họp vào buổi sáng. Tại đây, gia cầm sống và đã giết mổ đều được bày bán, rác thải, nước thải đổ luôn ở khu bán hàng.

Tại chợ Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, khu vực chợ tạm phía sau chợ chính, người bán để gà, vịt, thịt lợn vào thùng xốp đặt sát mặt đất, phía trên cống thoát nước. Nếu ai có nhu cầu mua gà sống thì họ sẽ mổ luôn tại chỗ. Cảnh giết mổ gia cầm vẫn diễn ra tự do mà chẳng bị ai kiểm tra.

Ở các quán nhậu, món tiết canh và lòng lợn vẫn được bày la liệt mời gọi khách. Món ăn bình dân này có mặt ở khắp các phố nhưng nơi được người Hà Nội chuộng nhất là các quán ở khu tập thể Nghĩa Tân, đầu phố Lê Duẩn, giữa phố Thụy Khuê, cuối phố Trần Huy Liệu, phố Nguyễn Khang, chợ Bưởi, chợ Châu Long...

Bất chấp cảnh báo bệnh liên cầu lợn

Ngày 7/1, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, số người nhập viện do mắc bệnh liên cầu lợn thường gia tăng vào dịp cuối năm. Gần đây nhất, bệnh nhân Nguyễn Văn T., 31 tuổi, ở huyện Từ Liêm, Hà Nội nhập viện cũng do ăn tiết canh lợn, trong tình trạng hôn mê sâu, sốc, tụt huyết áp, xuất hiện các vết ban hoại tử trên da. Bệnh nhân Trần Văn X., 32 tuổi, ở Q.Ba Đình, Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, hôn mê, sốc, tụt huyết áp.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm tới nay, 80% số bệnh nhân nhập viện do mắc liên cầu lợn đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Hầu hết bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.

Trong khi đó, tại TP.HCM, mỗi năm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị từ 20 - 50 ca bệnh do liên cầu lợn gây ra. TS-BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Bộ môn Nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết, bệnh này có hai thể gồm: viêm màng não mủ chiếm 95% trường hợp mắc bệnh, nhưng tỷ lệ tử vong dưới 5% và thể nhiễm trùng huyết gây choáng, sốc nhiễm trùng dù chỉ có 5% ca nhưng đến 40-60% bệnh nhân tử vong và tử vong nhanh chóng sau vài ngày bị bệnh. Ở thể viêm màng não mủ, người bệnh có biểu hiện sốt, nhức đầu, nôn ói, đau sau gáy, nếu nặng sẽ dẫn đến hôn mê. Thế nhưng, thể nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng thì ngoài các biểu hiện như người bị viêm màng não mủ sẽ xuất hiện thêm những mảng xuất huyết lớn dưới da. Đồng thời, người bệnh thường bị tắc mạch máu gây hoại tử đầu ngón tay, ngón chân, nếu không điều trị kịp buộc phải cắt bỏ. Nếu được cứu sống thì người bệnh dễ bị các di chứng như điếc chiếm 30-60%, trong đó có trường hợp chỉ nghe kém, nhưng có người không phục hồi được thính giác kể cả đeo máy nghe; một số bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn dẫn đến mù mắt.

Theo BS Nghĩa, vi khuẩn gây bệnh tồn tại ở đường hô hấp, tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Tuy nhiên, không phải đàn lợn nào nhiễm liên cầu khuẩn cũng có biểu hiện mắc bệnh. Vì vậy, cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh có trong máu lợn, dịch tiết của lợn. Đối tượng dễ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn gồm: người vận chuyển, giết mổ, chế biến, bán thịt lợn có vết đứt trên da, người ăn tiết canh, ăn đồ lòng, nội tạng, thịt lợn tái sống, người chăn nuôi, tiếp xúc với phân lợn.

Sản phẩm gia cầm được vô tư bày bán tại các chợ ở TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Nguy cơ cúm gia cầm mới

Việt Nam đang đối diện với nguy cơ nhiễm một loại cúm gia cầm mới từ Trung Quốc là chủng H5N2 gây chết hàng loạt gia cầm. Hiện chưa có vắc-xin đặc hiệu với chủng này. Những chủng cúm gia cầm khác là H7N9, H10N8 có khả năng lây từ gia cầm sang người. BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo: thời tiết lạnh ở giai đoạn gần Tết rất thuận lợi cho nhiều chủng vi-rút gây bệnh cảm cúm phát triển, trong đó có cúm gia cầm (cúm A/H5N1). Vì vậy, một khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc dưới 1m với gà, vịt, chim... bị bệnh hoặc bị chết do mắc cúm A/H5N1 thì người dễ bị lây bệnh. Đến 50% người mắc cúm A/H5N1 bị tử vong. Thời gian ủ bệnh thường diễn ra trong 48 giờ rồi phát bệnh, nhưng cũng có khi kéo dài đến bảy ngày. Người bệnh thường có biểu hiện: sốt, ho khan, đau nhức, cảm giác khó thở, đau ngực. Đặc biệt, triệu chứng viêm phổi tiến triển rất nhanh, đưa đến tình trạng suy hô hấp cấp và tử vong sau một - hai ngày mắc bệnh. Cũng theo BS Trường, hiện nay ở các tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới phía Bắc đang xuất hiện các chủng cúm A/H7N9 và H10N8 rất nguy hiểm. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc hai chủng vi-rút này. Các bác sĩ nhận thấy hai chủng này có độc lực cao, tỷ lệ tử vong nhiều và chưa xác định được cách lây truyền bệnh ở người. Vì vậy, nếu người bệnh có biểu hiện của viêm phổi, khó thở thì phải nhập viện ngay để cách ly, điều trị kịp thời.

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Đặc biệt, hiện rất khó kiểm soát việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm. Mùa Đông - Xuân lại là thời điểm vi-rút cúm phát triển mạnh. Tết Nguyên đán cũng là dịp gia tăng nhu cầu sử dụng gia cầm, gia tăng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu. Để chủ động phòng dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế sẽ tập trung giám sát tại các cửa khẩu quốc tế, các vùng biên giới giáp vùng dịch, các bệnh viện lớn, vùng có nguy cơ. Ngành y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm…

BẢO THOA-VĂN THANH-HOA LÀI

www.phunuonline.com.vn

nguy cơ, tái xuất, dịch bệnh, gia cầm, gia súc


© 2021 FAP
  263,194       6/863