Xã hội

'Rước bệnh' vì mua thuốc không theo đơn

Khi bị các bệnh nhẹ hoặc bệnh phải dùng thuốc lâu dài, người dân thường có thói quen tự ý ra nhà thuốc, khai báo bệnh với nhân viên bán thuốc hoặc sử dụng đơn thuốc cũ rồi mua thuốc về dùng.

Mua, bán thuốc theo đơn tại nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Mua, bán thuốc theo đơn tại nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Thói quen này vô tình gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dễ dẫn đến những phản ứng phụ, thậm chí sốc phản vệ gây tử vong.

* Thói quen khó bỏ

Chị Nguyễn Thị Vinh (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, khi bị các bệnh như: cảm cúm, ho, sổ mũi, nhức đầu, chị thường đến nhà thuốc gần nhà để mua thuốc. Việc mua thuốc diễn ra nhanh chóng, chị Vinh chỉ cần nói bị đau gì, cần mua mấy ngày thuốc, nhân viên nhà thuốc sẽ bán thuốc và hướng dẫn cách uống, liều dùng.

Mới đây, chị Vinh bị đau răng, ra nhà thuốc để mua thuốc giảm đau, được nhân viên nhà thuốc bán cho 2 ngày thuốc với 4 liều, mỗi liều 4 viên thuốc gồm: thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh dành riêng cho răng. Uống hết 2 ngày thuốc, chị Vinh thấy giảm đau hẳn, nhưng đến ngày thứ 4, răng đau nhiều hơn nên chị phải đến bác sĩ nha khoa để thăm khám.

Còn bà Hồ Thị Quý (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị tiểu đường, mặc dù  phải đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc cho phù hợp nhưng bà vẫn có thói quen giữ đơn thuốc cũ rồi ra nhà thuốc để mua thuốc uống.

ThS-DS.Nguyễn Lê Dương Khánh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, trên thực tế có những trường hợp không phải bệnh nhiễm trùng, không cần sử dụng thuốc kháng sinh nhưng nhân viên nhà thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh cho người dân. Việc bán thuốc không đúng loại, không đúng liều lâu dần sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, khoa đã điều trị cho nhiều bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn và kháng rất nhiều loại thuốc kháng sinh. Với những trường hợp này, bắt buộc bệnh viện phải dùng những loại thuốc thế hệ mới để điều trị. Tuy nhiên, thuốc mới có chi phí cao, chỉ có tác dụng ở thời gian đầu, lâu dài sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ.

* Yêu cầu phải có đơn mới bán thuốc

Theo ThS-DS.Bùi Mai Nguyệt Ánh, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tình trạng kháng kháng sinh không chỉ bắt nguồn từ lỗi và thói quen chưa đúng của người dân mà những người bán thuốc cũng có trách nhiệm. Khi người dân đến nhà thuốc, quầy thuốc mua thuốc chữa bệnh, nhân viên nhà thuốc ít khi nào tư vấn cho người dân đi khám bác sĩ mà ngay lập tức bán nhiều loại thuốc, trong đó có những thuốc kháng sinh không cần thiết, chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ của việc dùng thuốc không đúng hoặc kháng kháng sinh như: nổi mề đay, ban đỏ, buồn nôn, phù mắt, phù môi, rối loạn tiêu hóa kéo dài, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, ngưng tim và tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Ông Nguyễn Duy Văn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) chia sẻ, kết quả khảo sát của Sở Y tế mới đây đối với 100 nhân viên bán thuốc trong tỉnh cho thấy, có 80 nhân viên trả lời đúng quy tắc sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khi người dân đến mua thuốc, họ vẫn bán vì lợi nhuận.

Nhân viên nhà thuốc H.T.A. (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) thành thật cho biết: “Nếu người dân hỏi mà tôi không bán thì họ sẽ qua nhà thuốc khác để mua và lần sau sẽ không đến nhà thuốc của tôi nữa. Mặt khác, thi thoảng một số công ty dược có những chương trình khuyến mại, nhà thuốc nào bán được càng nhiều thuốc thì càng được chiết khấu cao. Do đó, nhân viên nhà thuốc dù rất muốn bán thuốc theo đơn để tránh tình trạng kháng kháng sinh nhưng rất khó”.

ThS-DS.Nguyễn Lê Dương Khánh cho hay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện có 2 nhà thuốc đã kết nối với cơ sở dữ liệu dược quốc gia để quản lý, bán thuốc kháng sinh. Để được mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện, bắt buộc người dân phải có đơn thuốc của bác sĩ. Khi người dân cầm đơn thuốc cũ đã quá thời hạn đến mua thuốc, nhân viên nhà thuốc sẽ đề nghị người dân tuân thủ mua thuốc theo đơn, có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bệnh viện cũng đang ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của nhà thuốc, trong đó có cảnh báo liều dùng, cảnh báo sử dụng thuốc kháng sinh.

Thông tin từ Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh hiện có 500 nhà thuốc đã kết nối công nghệ thông tin, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia (đạt 100% nhà thuốc). Từ ngày 1-1-2020, tất cả các quầy thuốc phải thực hiện kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia nhằm quản lý tình trạng mua, bán thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Nếu không kết nối, sẽ bị nhắc nhở và ngưng hoạt động.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,045,903       2/460