Xã hội

Khi bệnh nhi lên bàn mổ...

Phẫu thuật cho bệnh nhi đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng và tỉ mỉ của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế, bởi chỉ một sơ suất nhỏ, bệnh nhi sẽ rất dễ gặp những rủi ro không lường trước được.

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tái khám cho bệnh nhi. Ảnh: B.Nhàn
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tái khám cho bệnh nhi. Ảnh: B.Nhàn

Hiện nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã phẫu thuật được đối với các trường hợp bệnh nhi vừa sinh ra được vài giờ tuổi, có cân nặng khoảng hơn 1kg.

* Tỉ mỉ như… phẫu thuật cho trẻ sơ sinh

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ: “Các bác sĩ làm phẫu thuật nhi khoa phải rất tỉ mỉ và phải dự tính được cả quá trình phát triển sau này của trẻ. Đặc biệt, khi mổ cho trẻ, điều lo ngại của các bác sĩ mổ và gây mê là tình trạng mất nhiệt. Do đó, phòng mổ không những không được trang bị máy lạnh mà còn lắp thêm lò sưởi để giữ nhiệt cho trẻ trong suốt quá trình mổ”.

Do sinh thiếu tháng, bé T.N.H.M. (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) chỉ nặng 2,4kg. Sau 2 ngày ói dịch xanh, vàng, bé chỉ còn 1,9kg.

Các bác sĩ chẩn đoán, bé M. bị dị dạng tắc ruột bẩm sinh dù nhìn bên ngoài, ruột của bé M. vẫn liền mạch như bình thường. Các bác sĩ đã phải làm thêm các cận lâm sàng như: siêu âm, chụp X-quang… mới đưa ra quyết định mổ, tránh tình trạng “mổ trắng” (mổ ra nhưng không có bệnh) gây nguy hiểm cho bệnh nhi. Để tìm được phần bị tắc ruột của bé M., các bác sĩ đã phải tiêm nước sinh lý vào lòng ruột để tìm đoạn tắc.

Cũng bị tắc ruột sơ sinh như bé M., nhưng bé N.T.T. (6 tháng tuổi, ngụ xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ) bị tắc nhiều đoạn ruột khiến việc phẫu thuật gặp khó khăn. Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, gần 30 năm trong nghề, đây là ca tắc ruột phức tạp nhất mà ông từng gặp. Lúc ấy, cả ê-kíp mổ đều khá bối rối vì ruột của trẻ sơ sinh rất nhỏ, ngắn nên phải tiết kiệm từng mi-li-mét ruột nên không thể cắt cả đoạn ruột bị tắc, khoảng 25cm (bằng 1/4 tổng chiều dài ruột của bé). Các bác sĩ đã phải tỉ mỉ xẻ dọc ruột cắt các màng ngăn rồi khâu theo chiều ngang của ruột để giảm tổn thương cho bé T.

Sau ca mổ hi hữu, bé T. đã khỏe mạnh và xuất viện. “Những ca tắc ruột, các bác sĩ phải nâng niu từng mi-li-mét ruột, bảo tồn ruột tối đa cho trẻ vì nó ảnh hưởng tới sự phát triển về thể trạng sau này của bé” - bác sĩ Vũ Công Tầm bộc bạch.

* “Toát mồ hôi” khi mổ

Căng thẳng nhất là những ca trẻ bị viêm phúc mạc, có mủ trong ổ bụng bắt buộc các bác sĩ phải rửa sạch, kỹ và trong thời gian nhanh nhất. Trong khi đó, việc đưa nước vào rửa ổ bụng sẽ khiến thân nhiệt của trẻ bị tụt dẫn đến mất nhiệt, sốc trong mổ và sau mổ. Vì vậy, bác sĩ phải dùng nước đúng 37OC, rửa nhanh, sạch và không bị vẩy nước ra ngoài khu vực được rửa.

Bác sĩ Vũ Công Tầm cho hay, trong phẫu thuật các ca bệnh nhi, sợ trẻ mất nhiệt nên các bác sĩ bắt buộc phải mổ trong môi trường không máy lạnh, phòng mổ kín và có thêm máy sưởi. “Mổ cho một bé sơ sinh nặng 1kg xong, chúng tôi cũng đẫm mồ hôi như nông dân mới đi cày xong dưới trời nắng. Vừa mổ, chúng tôi phải có một điều dưỡng lau mồ hôi giúp” - bác sĩ Tầm nói.

Mỗi ca phẫu thuật đều mang lại những bất ngờ khác nhau. Bác sĩ Vũ Công Tầm kể, vài năm trước, khoa đã tiếp nhận một bệnh nhi bị viêm phúc mạc bào thai. Khi mổ, các bác sĩ thấy tình trạng bé V.A.T. (ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) bị đứt đôi ruột khiến phân su tràn đầy ổ bụng, còn ruột cuốn với nhau thành một mớ bòng bong và bị dính đầy phân su. “Nhìn cảnh đó, chúng tôi khá “sốc” vì không biết phải nên làm gì để tìm ra mối đứt. Sau vài phút hội ý, chúng tôi quyết định gỡ mớ bòng bong rồi mới đưa ra cách phẫu thuật cụ thể” - bác sĩ Tầm nhớ lại.

Nhưng làm sao để gỡ ruột mà không gây chảy máu cho bé cũng khiến các bác sĩ “đau đầu” vì lượng máu của trẻ sơ sinh rất ít, chỉ 90ml/kg cân nặng, trong khi bé T. nặng có 1,8kg. Các bác sĩ cẩn trọng vừa gỡ ruột, vừa lấy phân ở ruột và làm sạch ổ bụng. Bác sĩ Tầm kể: “Chúng tôi phải để ý rất kỹ từng tia máu nhỏ của bé. Cuối cùng, chúng tôi đã gỡ được ruột, nối mối xì và sắp xếp ruột theo đúng cấu tạo cho bé. Sau ca mổ 2 tuần, bé đã được xuất viện và sống khỏe mạnh”.

* Không có công thức chung chính xác

Không chỉ bác sĩ phẫu thuật căng thẳng khi tiếp nhận những ca bệnh này mà các bác sĩ gây mê cũng phải “cân não” trong mỗi ca mổ khó. Bác sĩ gây mê Bùi Thị Thảo, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, song song với các phẫu thuật viên, bộ phận gây mê cũng phải làm việc cật lực và căng thẳng. Các trẻ có dị vật bẩm sinh đều phải được khám kỹ tất cả các chức năng. Ngoài ra, bác sĩ gây mê cũng phải kiểm tra công thức máu để đánh giá lượng máu bé có thể mất tối đa là bao nhiêu để tìm phương án trước mỗi ca mổ.

Một khó khăn nữa là bệnh nhi càng nhỏ tuổi thì càng khó thực hiện phẫu thuật. Đối với trẻ sơ sinh, da thịt còn non nên chỉ mạnh tay một chút là chỗ da thịt ấy có thể bị rách. “Việc gây mê cho trẻ vô cùng khó và không có một công thức chính xác nào áp dụng chung trên bệnh nhi. Chúng tôi phải dựa vào cơ địa của từng trẻ để gây mê liều thấp, liều cao khác nhau. Có những ca bệnh, tôi phải suy nghĩ phương pháp gây mê cả vài tuần trước khi mổ” - bác sĩ Thảo tâm sự.

Trong suốt ca mổ, bác sĩ phẫu thuật căng thẳng như thế nào, bác sĩ gây mê cũng căng thẳng không kém. Và họ chỉ thực sự thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhi ổn định, khỏe mạnh xuất viện.        

Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,081,726       5/1,211