Xã hội

Nghệ nhân làm lồng chim nổi tiếng ở Biên Hòa

Cơ sở lồng chim Ngọc Cẩn của ông Vũ Ngọc Cẩn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) rất nhiều người biết, bởi ông là nghệ nhân làm lồng chim nổi tiếng ở đây. Đến nay, ông Ngọc Cẩn đã tạo nên thương hiệu sản phẩm cho riêng mình và được nhiều nghệ nhân chơi chim cảnh trên cả nước biết đến.

Ông Vũ Ngọc Cẩn (trái) đang chỉnh sửa lồng chim cho khách hàng. Ảnh: Nhân An
Ông Vũ Ngọc Cẩn (trái) đang chỉnh sửa lồng chim cho khách hàng. Ảnh: Nhân An

Từ những thanh tre mộc mạc, gần gũi với đời sống thường nhật, qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân Ngọc Cẩn đã được “hô biến” thành những chiếc lồng chim đẹp có giá từ 1 triệu đến hơn 10 triệu đồng/chiếc. Hiện sản phẩm của ông làm ra được đưa tiêu thụ trên khắp mọi miền đất nước.

* Xuất phát từ niềm đam mê

Theo thói quen thường ngày, nghệ nhân Ngọc Cẩn thức dậy sớm để làm vệ sinh các lồng chim nuôi, cho chim ăn, uống nước. Ông có sở thích nuôi các loại chim chích chòe, họa mi, hoàng thương, sơn ca...

Anh Trương Xuân Vinh (ở TP.Hồ Chí Minh) cho biết, anh đam mê thú chơi chim cảnh đã hơn 10 năm và cũng chừng đó năm anh biết đến Cơ sở lồng chim Ngọc Cẩn. Thời gian qua, anh thường xuyên đến đây đặt làm lồng chim, đồng thời anh còn giới thiệu các nghệ nhân chơi chim cảnh đến mua lồng. “Nhiều nghệ nhân chơi chim cảnh khắp nơi đã biết đến thương hiệu lồng chim Ngọc Cẩn. Hàng ở đây đảm bảo chất lượng, xài rất bền. Còn nói về góc độ thẩm mỹ, sản phẩm của ông Ngọc Cẩn xếp hạng nhất nhì ở khu vực miền Đông Nam bộ” - anh Vinh nói.

8 giờ, Cơ sở lồng chim Ngọc Cẩn bắt đầu hoạt động. Ông Ngọc Cẩn ngồi trang trí những chiếc lồng cho đẹp, vừa nhâm nhi ly trà và lắng nghe tiếng chim hót buổi sớm mai. Nhờ đó, không khí làm việc nơi đây lúc nào cũng vui vẻ. “Từ thú chơi chim cảnh rồi tôi mê luôn nghề làm lồng chim và đã gắn bó với nghề hơn 30 năm nay... Nghề này nếu không có niềm đam mê dễ dẫn đến chán nản và bỏ việc” - ông Ngọc Cẩn tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngọc Cẩn cho biết, nghề làm lồng chim đến với ông một cách tự nhiên chứ không hề có chủ đích ban đầu. Bởi trước đây, ông từng học ngành xây dựng tại một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, ông đi làm một số nơi nhưng công việc không ổn định, vì nhiều công ty giải thể.

Năm 1987, trong thời gian chờ đợi có công việc mới, ông Ngọc Cẩn hay theo những người lớn tuổi trong xóm tham dự các chương trình giao lưu thi chim hót, rồi mê chim cảnh lúc nào không hay. “Lúc bấy giờ, lồng chim được bán nhiều ngoài thị trường, ai muốn nuôi chim cảnh phải tự làm lồng. Tôi đã nhờ các chú, các cụ lớn tuổi hướng dẫn cách làm lồng chim. Nhờ kiên trì học hỏi nên cuối cùng tôi cũng tạo ra cho mình những chiếc lồng chim ưng ý. Lúc đó, tôi làm lồng để chơi chim cảnh cho thỏa niềm đam mê chứ chưa xem đó là một nghề mưu sinh” - ông Ngọc Cẩn nhớ lại.

Sau một thời gian, ông Ngọc Cẩn làm số lượng lồng chim ngày một tăng, nhiều bạn bè đến nhà ông chơi thấy thích, năn nỉ bán lại để họ đem về nuôi chim cảnh. Từ đó, ông nghĩ ra ý tưởng phát triển nghề làm lồng chim để mưu sinh. Tuy nhiên, thời gian đầu bắt tay vào làm, ông gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, vì ở thành thị không có tre. Hằng ngày, ông phải lặn lội về các vùng nông thôn xa xôi để mua từng cây tre, lồ ô nên mất nhiều thời gian, công sức. Lúc bây giờ, cơ sở của ông chủ yếu làm lồng chim bằng tay hay dụng cụ thô sơ chứ chưa có máy móc hiện đại.

Đến năm 1992, khi phong trào chơi chim, hoa, cá cảnh bắt đầu phát triển mạnh thì nghề làm lồng chim của ông Ngọc Cẩn gặp nhiều thuận lợi hơn. Những cơ sở cung cấp nguyên liệu uy tín, ông chỉ cần gọi điện thoại là họ giao hàng tận nơi. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để hỗ trợ trong công việc như: máy cưa, máy mài, máy đánh bóng... nhằm giảm bớt chi phí nhân công, công việc nhanh, đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, công việc làm ăn của Cơ sở lồng chim Ngọc Cẩn ngày càng tiến triển tốt.

Đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, thời gian qua, ông Ngọc Cẩn đã không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Để làm ra những lồng chim phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như phù hợp với từng loại chim cảnh được nuôi nhốt, ông thường xuyên nghiên cứu trau dồi kiến thức, đồng thời gặp các bậc tiền bối để lắng nghe ý kiến đóng góp của họ. Bên cạnh đó, ông thường dành thời gian đi tham dự các cuộc giao lưu thi chim hót để tham khảo, lắng nghe những mong muốn của các nghệ nhân, từ đó giúp ông rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu với nghề.

* Đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình

Đức tính cần cù, sáng tạo và ham học hỏi đã giúp cho nghệ nhân Vũ Ngọc Cẩn ngày càng hoàn thiện nghề làm lồng chim. Những sản phẩm do ông làm ra luôn có đặc trưng riêng mà ít nơi nào có thể sánh được, đó là độ bền, đẹp và sang trọng, có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích chơi chim cảnh.

“Tiếng lành đồn xa”, khách hàng nhiều nơi tìm đến cơ sở của ông Ngọc Cẩn để mua lồng chim ngày càng đông. Cơ sở của ông xuất bán trung bình mỗi tháng từ 40-50 lồng chim; loại lồng có giá thấp nhất 1 triệu đồng/chiếc, còn loại có giá cao nhất trên 10 triệu đồng/chiếc. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông ngày càng sung túc. Ông Ngọc Cẩn chia sẻ, ông chỉ nhận làm lồng chim theo “đặt hàng” của nghệ nhân chơi chim cảnh chứ không làm theo kiểu “hàng chợ”. Do vậy, sản phẩm ông làm ra đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức và giá cả cũng cao gấp nhiều lần so với “hàng chợ”.

: Ông Vũ Ngọc Cẩn bên những lồng chim sưu tầm yêu thích của mình
: Ông Vũ Ngọc Cẩn bên những lồng chim sưu tầm yêu thích của mình. Ảnh: Nhân An

Không chỉ làm lợi cho gia đình, ông Ngọc Cẩn còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ông trả tiền lương công thợ theo ngày với mức từ 200 ngàn đồng trở lên/người (tùy theo năng lực của mỗi thợ mà trả mức lương khác nhau). Anh Huỳnh Minh Cường cho hay, cách đây 6 năm, anh đi phụ hồ nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Sau đó, biết ông Ngọc Cẩn mở cơ sở sản xuất lồng chim nên anh xin vào làm rồi mê nghề và gắn bó từ đó đến giờ. Nhờ nghề này, thu nhập của anh hiện ổn định hơn rất nhiều.

Ông Ngọc Cẩn chia sẻ kinh nghiệm, để làm một chiếc lồng chim, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như: chẻ tre thành những sợi nhỏ, vót nan cho đều, uốn cong, dựng lồng, làm chót, làm gánh, khắc chân, hơ lửa, quét dầu bóng... Trong đó, công đoạn làm vanh, khoan vanh, uốn vai lồng là quan trọng nhất. Bởi khi dựng lồng chim lên thì lồng phải thẳng, vai vuông, các vanh phải cân đối với nhau thì mới tạo nên cái lồng đẹp.

Ổn định đầu ra sản phẩm

Nghệ nhân Vũ Ngọc Cẩn cho hay, nghề làm lồng chim diễn ra quanh năm, đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, theo thường lệ từ nay đến cuối năm, công việc trở nên bận rộn hơn vì nhiều khách hàng đến đặt làm lồng mới, có giá trị cao để chuẩn bị tham gia các cuộc giao lưu thi chim hót mỗi khi Tết đến, Xuân về. “Nhiều khi khách đến đặt làm lồng chim quá đông khiến tôi phải lựa lời từ chối khéo để họ vui” - ông Ngọc Cẩn chia sẻ.

Ông Vũ Thịnh Hưng (anh ruột của ông Ngọc Cẩn, là người gắn bó với nghề làm lồng chim gần 30 năm qua) bộc bạch: “Để làm cái lồng chim bình thường thì nhiều người có thể làm được, nhưng để làm nên cái lồng đạt độ tinh xảo và đáp ứng được sở thích của khách hàng không phải dễ. Vì vậy, ngoài niềm đam mê, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, kiên nhẫn và sự tỉ mỉ trong từng công đoạn”.

Hiện có một số thanh niên tại địa phương có niềm đam mê chơi chim cảnh đã đến xin học nghề làm lồng và được nghệ nhân Vũ Ngọc Cẩn tận tình truyền đạt kinh nghiệm. “Hiện tôi đã chọn được một số học viên trẻ để truyền nghề. Tôi ngày càng lớn tuổi nên muốn truyền nghề cho giới trẻ để chúng nó có cái nghề mưu sinh chứ tôi không muốn nghề này bị thất truyền” - ông Ngọc Cẩn vui vẻ nói.

Nhân An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,081,933       1/1,219