Xã hội

Chung tay ngăn chặn trẻ em bị xâm hại

Trong giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh có 312 trẻ bị xâm hại, nhiều trường hợp tuổi còn quá nhỏ. Các hành vi xâm hại đều có tính chất nghiêm trọng, vùng nông thôn nhiều hơn thành thị.

Trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: C.Nghĩa
Trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: C.Nghĩa

Gia đình thuộc hộ nghèo của xã, bố mất sớm, bản thân em N.M. (hiện 18 tuổi, ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) lại chậm phát triển trí não nhưng đang phải nuôi con nhỏ. Đứa con là hậu quả của vụ xâm hại tình dục, kéo dài từ tháng 10-2016 đến tháng 5-2017.

* Hậu quả nặng nề

Khi mẹ của M. phát hiện, M. (lúc ấy mới 16 tuổi) đã mang thai 30 tuần. Hiện đối tượng đã bị khởi tố và xử lý theo pháp luật. Trước hoàn cảnh của mẹ con M., UBND xã Bắc Sơn đã lập hồ sơ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội cho con của M. Còn UBND huyện đã ra quyết định hưởng trợ cấp cho mẹ đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo theo quy định.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cho biết, Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Chúng tôi sẽ ghi nhận kiến nghị của các đơn vị liên quan để góp ý kiến với Quốc hội trong quá trình điều chỉnh luật. Nhưng trước mắt, tỉnh phải chỉ đạo các ngành phối hợp với địa phương để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại; tránh đùn đẩy trách nhiệm, gây bức xúc dư luận và oan sai.

Không chỉ xâm hại về tình dục, nhiều vụ việc trẻ em bị đánh đập đến mức tử vong hoặc chịu thương tổn. Cụ thể, ngày 17-3-2018, cháu H.T. (hiện 13 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đi học về, bỏ cặp sách tại phòng khách. Thấy vậy, cha ruột (Mạch Thanh D., 34 tuổi) đã dùng thanh tre có 2 đầu nhọn đánh vào đầu cháu. Cháu T. đưa tay lên đỡ bị trúng cây làm gãy đầu xương bàn tay trái. Bà nội cháu T. đã can ngăn và đưa cháu đi cấp cứu, tỷ lệ thương tích là 10%. Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã tuyên phạt bị cáo D. 1 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường là người ruột thịt, thân thích của trẻ, thường dựa vào mối quan hệ quen biết khiến trẻ và gia đình không đề phòng. Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em khá nặng nề, gây tổn thương theo các mức độ khác nhau về thể chất, tinh thần của trẻ.

Phương thức xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm và tinh vi. “Trong nhiều vụ việc, các đối tượng khai rằng, mình sinh ra con nên có quyền xâm hại. Điều này phản ánh những hiện tượng tâm lý xã hội không bình thường” - Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho hay. Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, thời gian qua, phía công an không để “chìm xuồng” các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không đủ chứng cứ buộc tội nên phải tạm đình chỉ vụ án.

Điều đáng lo ngại hiện nay, trẻ em khi bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục thường có tâm lý e ngại, xấu hổ. Hơn nữa, gia đình lại sợ ảnh hưởng đến tương lai các em nên thường giấu giếm, không báo các cơ quan chức năng. “Nhiều gia đình chưa thẳng thắn trao đổi những vấn đề về tình dục cho con em hiểu để nhận thức được nguy cơ xâm hại. Thậm chí khi con em mình bị xâm hại tình dục gia đình còn chưa kịp thời tố cáo tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ mang tiếng, khiến kẻ xâm hại tình dục trẻ em thoát tội” - ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu chia sẻ.

* Hành động cụ thể bảo vệ trẻ em

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111 và số: 025.13842.119 để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân cung cấp thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 198 lớp nói chuyện chuyên đề cho gần 76 ngàn lượt học sinh ở 214 trường tiểu học, trung học về kỹ năng phòng ngừa, can thiệp xâm hại trẻ em; trợ giúp pháp lý miễn phí cho 28 trẻ; 100% trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ theo quy định…

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, cả nước đã có hệ thống y tế quốc gia để chăm sóc cho trẻ. Điển hình, chính sách quốc gia về: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng; 100% trẻ dưới 6 tuổi đều có thẻ bảo hiểm y tế. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho trẻ tương đối đầy đủ.

Trong giai đoạn 2015-2019, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom đã đưa ra nhiều mô hình phòng chống xâm hại trẻ em. Cụ thể, Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom đã xác định, việc giáo dục giới tính được giới thiệu trong nhà trường từ rất sớm qua các bài học chính khóa, từ lớp 1 trở lên. Các buổi chào cờ đầu tuần hoặc buổi sinh hoạt cuối tuần của giáo viên chủ nhiệm đều có nội dung này. Ngoài ra, các trường còn mời chuyên gia về giáo dục giới tính để nói chuyện với các em.

Tham gia buổi giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tại huyện Trảng Bom mới đây, bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, huyện đã có mô hình điểm cung cấp dịch vụ cho trẻ em; tổng đài bảo vệ trẻ em đã ngăn được 100 vụ trẻ có nguy cơ bị xâm hại. Huyện cần phát huy mô hình này để góp phần ngăn chặn xâm hại trẻ em.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Nhiều gia đình không muốn “đụng chạm” đến các đối tượng xâm hại con em mình do lo ngại đối tượng sẽ “không để yên” cho gia đình sau này. Trong khi đó, chính quyền địa phương nắm rõ hoàn cảnh của các gia đình nhưng việc quản lý như thế nào để bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị xâm hại là rất quan trọng. Sắp tới, ngành sẽ mời các đoàn thể để thảo luận, xây dựng kế hoạch bảo vệ trẻ em ở các phường, xã, thị trấn”.

Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,090,482       4/1,594