Xã hội

Ký túc xá dành cho học sinh vùng sâu

Trước tình hình có nhiều học sinh ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đi học khá vất vả vì nhà ở sâu trong rừng và cách xa trường học hàng chục cây số, Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã xây dựng ký túc xá (KTX) Mã Đà nhằm giúp các em đến trường thuận tiện hơn.

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến (đứng thứ 6 từ trái qua, hàng thứ 2), đại diện Khối thi đua 11của tỉnh đến tặng quà cho học sinh nghèo tại ký túc xá Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu)
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến (đứng thứ 6 từ trái qua, hàng thứ 2), đại diện Khối thi đua 11của tỉnh đến tặng quà cho học sinh nghèo tại ký túc xá Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Nhân An

Hơn 10 năm qua, KTX Mã Đà là ngôi nhà chung của hàng trăm học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu.

* “Tiếp sức” học sinh vùng sâu đến trường

Xã Mã Đà có diện tích tự nhiên rất lớn, thuộc địa bàn KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý, có nhiều cụm dân cư sinh sống phân tán, cách xa trung tâm xã, điều kiện về thiết chế phục vụ cuộc sống của người dân còn hạn chế.

Bí thư Đoàn cơ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Nam cho biết, từ khi thành lập KTX cho đến nay, tỷ lệ thất học của các em trong độ tuổi học THCS tại các khu vực ấp 3, 4, 5 xã Mã Đà giảm thiểu rõ rệt. Hằng năm, các em thi đậu vào Trường THPT Trị An đạt tỷ lệ rất cao. Đến nay, đã có nhiều em từng ở KTX hiện đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh; nhiều em đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.

Cụ thể, nhiều nơi ở ấp 3, 4 và một số khu vực khác ở xã Mã Đà vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Trạm y tế và trường THCS trở lên nằm ngoài trung tâm xã và cách xa các cụm dân cư trong rừng hàng chục cây số. Đa số hộ dân sống bằng nghề làm nương, rẫy và khai thác thủy sản trên hồ Trị An với mức thu nhập thấp. Do đó, điều kiện đến trường của học sinh trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhớ lại, năm 2007, khi đi kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng, ông thường bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh đứng ven đường vẫy xe xin quá giang đi học. Khi dừng xe lại hỏi chuyện các em, ông mới biết để đến trường kịp giờ học buổi chiều, các em phải rời nhà từ 9 giờ sáng và đi bộ trong nhiều giờ mới đến nơi. Có những em không đủ sức khỏe thì xin đi nhờ xe dọc đường. Hôm nào may mắn gặp được người cho đi nhờ xe thì các em đến được trường học. Hôm nào không ai cho quá giang thì các em đành phải nghỉ học vì đường đến trường cách xa hàng chục cây số. Do vậy, việc đến trường học chữ của một số em thường bị gián đoạn.

Khi nghe và chứng kiến cảnh trẻ em trong rừng đi học khó khăn, ông Mùi đã trăn trở, suy nghĩ cách giúp các em đi học thuận lợi hơn. Thấy nhà ở công nhân cũ của Lâm trường Mã Đà (phía sau UBND xã Mã Đà, cách Trường TH-THCS Mã Đà chỉ 5 phút đi bộ) bỏ không lãng phí, ông đã cho sửa chữa lại thành KTX để tạo điều kiện cho học sinh có nhà nằm sâu trong rừng ra nội trú để học tập.

“Chúng tôi quan tâm và xây dựng KTX nhằm tạo điều kiện cho con em người dân sống và canh tác tại vùng đệm KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được học hành, được tiếp cận kiến thức phổ thông và cao hơn nữa là có một nghề nghiệp ổn định để giúp gia đình. Qua đó, vận động người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, giảm thiểu tác động đến rừng, đến môi trường sinh thái tự nhiên” -  ông Mùi nói.

Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, đến nay KTX Mã Đà đã trở nên chắc chắn và được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ. KTX được xây dựng với diện tích khoảng 300m2, gồm có 8 phòng nghỉ, 1 phòng học chung, 1 bếp nấu ăn và 2 khu vệ sinh riêng dành cho nam, nữ. Diện tích mỗi phòng là 18m2, bố trí từ 4-6 em. Nam và nữ được bố trí ở riêng thành 2 dãy; giữa 2 dãy phòng KTX có hành lang và khuôn viên để các em ngồi học bài. Phía trước KTX có sân khá rộng để học sinh vui chơi. Đặc biệt đằng sau KTX có hẳn 1 khoảnh đất  để các em trồng rau nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn. KTX còn được trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu như: quạt, máy lọc nước, nồi cơm điện… nên việc các em ăn ở, sinh hoạt, học tập rất thuận lợi.

Bí thư Đoàn cơ sở KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Nam cho biết, để duy trì ổn định hoạt động của KTX, Ban giám đốc KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban giám hiệu nhà trường và Đảng ủy, UBND xã Mã Đà cùng nỗ lực tham gia đóng góp rất nhiều trong việc chăm lo dạy dỗ, uốn nắn cho các em thành trò ngoan. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tích cực vận động nhà hảo tâm trong việc mua sắm trang thiết bị, xây dựng, sửa sang KTX.

Chẳng hạn, trong năm 2018, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến thay mặt Khối thi đua 11 tỉnh đến thăm và tặng quà cho học sinh nghèo tại KTX, đồng thời hỗ trợ 24 triệu đồng mua sắm các thiết bị như: máy quạt, máy lọc nước, bình gas, nồi cơm điện, internet, đồng phục cho học sinh… nhằm giúp các em có chỗ ở, sinh hoạt, học tập tốt hơn.

* Nơi ở miễn phí, an toàn

Ba mất sớm, mẹ đi làm công nhân ở xa nên em Trần Chí Nhân, học sinh lớp 8 Trường TH-THCS Mã Đà ở với ông bà ngoại tại khu vực C.3 (thuộc ấp 4, xã Mã Đà), cách trường học khoảng 25km. Đường rừng xa xôi cách trở, trong khi ông bà ngoại lớn tuổi nên không thể đưa Nhân đến trường. Khi biết nhà trường có KTX, em đã đăng ký ở nội trú từ năm học lớp 6 đến nay.

Các em học sinh ở ký túc xá Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trao đổi học tập
Các em học sinh ở ký túc xá Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) trao đổi học tập. Ảnh: Nhân An

“Em thích ở KTX vì nơi đây chỉ cách trường khoảng 100m nên việc đi học của em rất thuận tiện. Hơn nữa, KTX được trang bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, được các cô, chú quan tâm chăm sóc, dạy bảo tận tình, chế độ ăn uống, giờ giấc học hành, nghỉ ngơi đảm bảo. Nhờ vậy, em không bị gián đoạn việc học” -  em Nhân bộc bạch.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Mã Đà cho hay, những năm trước, số lượng học sinh đăng ký ở KTX từ 20-25 em. Năm học 2019-2020 có 13 em đăng ký và hiện có 8 em đang ở KTX. Đa số các em có nhà ở sâu trong rừng và cách trường học từ 10-25km như: khu vực C3, Suối Tượng, Bà Hào, Cây Sung.

Em Lê Thị Huyền Trang (học sinh lớp 8, Trường TH-THCS Mã Đà,  nhà ở khu vực C.3, ấp 4, xã Mã Đà) chia sẻ, sống ở KTX mọi người rất đoàn kết và xem nhau như anh em một nhà. Mỗi khi ai gặp khó khăn gì thì đều được anh, chị, em quan tâm chia sẻ, giúp đỡ  cùng vượt qua, nhất là giúp nhau học tập ngày càng tốt hơn.

Theo cô Tuyền, học sinh ở KTX đều được KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hỗ trợ miễn phí về chỗ ở, chu cấp điện, nước, máy lọc nước, giường tủ, máy quạt, bàn học tập... Bên cạnh đó, KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn tham gia cùng nhà trường và chính quyền địa phương kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ gạo, mì tôm, muối, nước mắm, gas... cho bếp ăn KTX.  Nhờ đó, những năm qua, học sinh đến đây ở chỉ phải đóng tiền ăn 15 ngàn đồng/người/ngày (ăn trưa và tối).

Phía nhà trường cũng cử 1 bảo vệ để trông coi KTX và ký hợp đồng với 1 cấp dưỡng để nấu ăn cho các em. Đa số các em ở tại KTX đều có ý thức tốt trong việc học tập và chấp hành nội quy. Ban ngày cũng như đêm, bảo vệ của nhà trường và KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đều phối hợp tốt trong việc giám sát nhằm đảm bảo sự an toàn và tạo sự yên tâm cho học sinh ở tại KTX.

“Người dân ở sâu trong rừng Mã Đà còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên việc con em họ có nguy cơ bỏ học giữa chừng có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của KTX, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của xã hội trong việc hỗ trợ các nhu yếu phẩm (nước mắm, dầu ăn, mì tôm...) cho học sinh ở KTX để giảm bớt chi phí đóng góp của phụ huynh, giúp học sinh nghèo vững bước đến trường” - cô Tuyền chia sẻ.

Nhân An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,091,200       23/1,394