Xã hội

Khó nâng cấp nhà, nhóm trẻ tư thục lên trường

Sở GD-ĐT và các địa phương đang nỗ lực thực hiện định hướng của UBND tỉnh trong giai đoạn 2016-2022 phải thành lập thêm 341 trường mầm non tư thục, đồng thời không còn tình trạng nhà, nhóm trẻ tư thục có quy mô học sinh vượt quá quy định theo điều lệ trường mầm non của Bộ GD-ĐT ban hành.

Cô và trò tại Trường mầm non tư thục Thế giới Ánh Dương (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa)  vui chơi ngoài trời. Ảnh: C.NGHĨA
Cô và trò tại Trường mầm non tư thục Thế giới Ánh Dương (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) vui chơi ngoài trời. Ảnh: C.NGHĨA

Tuy nhiên để hoàn thành được mục tiêu này không hề đơn giản bởi còn quá nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, nhất là quy định về đất đai.

* Được lợi khi lên trường

Trường mầm non tư thục Ngọc Hùng (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) được nâng cấp từ một nhóm trẻ tư thục. Học sinh của trường chủ yếu là con công nhân làm việc ở khu công nghiệp. Khi còn là nhóm trẻ, số lượng trẻ phụ huynh gửi khá ít, hoạt động của nhóm trẻ khá giản đơn, chủ yếu là giữ và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên khi nhóm trẻ thành trường thì các hoạt động trở nên quy củ hơn, có thêm chức năng giáo dục trẻ do trường có bộ máy hoàn chỉnh gồm: Ban giám hiệu, kế toán, bộ phận chuyên môn, cấp dưỡng… Ban giám hiệu nhà trường cảm thấy tự tin hơn, đồng thời trường còn được Phòng
GD-ĐT TP.Biên Hòa quan tâm thường xuyên thông qua việc hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn chuyên môn…

Điều kiện thành lập trường mầm non tư thục từ nhà, nhóm trẻ

- Đất xây trường phải là đất quy hoạch giáo dục. Diện tích phòng học tối thiểu từ 1,5m2/học sinh.

- Nhóm trẻ độc lập tư thục vượt quá 70 em. Khi thành lập trường phải có tối thiểu từ 3 nhóm lớp trở lên. Mỗi lớp không quá 30 học sinh theo điều lệ trường mầm non.

- Phải có Ban giám hiệu tối thiểu gồm 2 người, gồm hiệu trưởng và hiệu phó.

- Mỗi lớp phải có ít nhất 2 giáo viên (trình độ trung cấp sư phạm mầm non trở lên).

Tương tự, Trường mầm non tư thục Việt Anh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng ra đời từ một nhóm trẻ tư thục cách đây 3 năm. Khi thấy quy mô trẻ đủ để thành lập trường, gia đình chị Phạm Thị Thắm đã làm đề án đề nghị Phòng GD-ĐT và UBND TP.Biên Hòa cho thành lập trường. Hiệu trưởng của trường là một cử nhân mầm non có kinh nghiệm, còn đội ngũ giáo viên 16 người phần lớn có trình độ đại học, tối thiểu cũng là trung cấp sư phạm mầm non. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Việt Anh cho biết: “Hoạt động với danh nghĩa trường mầm non tư thục có rất nhiều thuận lợi, ngay cả giáo viên cũng cảm thấy an tâm hơn so với làm việc tại các nhà, nhóm trẻ quy mô nhỏ”.

Anh Nguyễn Hoàng Bảo Nam (công nhân Công ty cổ phần bê tông Hùng Vương, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, 2 con phải gửi Trường mầm non tư thục Họa Mi cùng xã chứ không có suất gửi trường công. Học phí ở đây cao hơn trường công trên 500 ngàn đồng/tháng/cháu nhưng tôi tạm hài lòng vì cơ sở vật chất tương đối tốt hơn nhiều so với gửi ở các nhà, nhóm trẻ tư thục”.

Trong số 171 phường, xã, thị trấn của tỉnh, hiện vẫn còn một phường nằm ngay trung tâm TP.Biên Hòa chưa xây dựng được trường mầm non công lập là phường Thống Nhất. Do hệ thống trường công lập không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, nhất là các phường, xã ở gần khu công nghiệp nên các nhà nhóm trẻ, trường tư thục đang thực sự là “cứu cánh” cho nhiều phụ huynh.

* Cần tháo nút thắt

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trưng Thị Kim Huệ, đến nay toàn tỉnh có 326 trường mầm non, trong đó có 225 trường công lập và 101 trường mầm non tư thục. Ngoài ra còn có 1.127 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục. Theo định hướng phát triển trường mầm non tư thục giai đoạn 2016-2022, sẽ có thêm 341 trường mầm non tư thục được thành lập mới, đồng thời chấm dứt tình trạng nhà, nhóm trẻ tư thục có quy mô học sinh lớn, vượt quá quy định.

Học sinh Trường mầm non tư thục Việt Anh(phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) học tưới rau.
Học sinh Trường mầm non tư thục Việt Anh(phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) học tưới rau.

Để đạt được cơ bản mục tiêu trên, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phải có khoảng 58 trường được thành lập mới. Tuy nhiên trên thực tế, tốc độ phát triển thêm các trường mầm non tư thục từ năm 2016 đến nay còn khá chậm. Cụ thể năm 2016 chỉ có 29 trường được thành lập mới so với kế hoạch là 34 trường, trong khi đó năm 2017 chỉ thành lập được 4 trường so với mục tiêu là 43 trường. Năm 2018 TP.Biên Hòa và huyện Long Thành đang hướng dẫn cho 22 chủ nhà, nhóm trẻ tư thục viết đề án thành lập trường mầm non tư thục, trong đó TP.Biên Hòa có đến 20 đơn vị, còn huyện Long Thành có 2 đơn vị. Nhiều địa phương như huyện Trảng Bom, Tân Phú, Xuân Lộc chưa thực hiện được việc cấp phép thành lập trường mầm non tư thục nào.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên và nhân viên các trường mầm non do HĐND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều chủ nhà, nhóm trẻ tư thục muốn phát triển lên trường đã phản ảnh khó khăn trong việc thành lập trường mầm non tư thục chính là đất đai. Đất đai xây trường chủ yếu là đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm hoặc đất thuộc các cơ sở tôn giáo, trong khi theo quy định để lên trường thì đất phải nằm trong quy hoạch đất giáo dục hoặc phải chuyển mục đích sử dụng thành đất giáo dục. Trong khi đó nhiều chủ nhà, nhóm trẻ có đất lại không muốn thực hiện việc chuyển đổi này. Một trong những lý do khiến chủ nhà, nhóm trẻ lo ngại là nếu sau này ngừng đầu tư giáo dục sẽ khó chuyển lại nguồn gốc đất cũ và không thể sử dụng đất đó cho bất cứ mục đích nào khác ngoài giáo dục.

Bà Lương Thị Ngọc Quế, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom cho biết huyện có nhiều khu công nghiệp lớn, các trường mầm non công lập không thể đáp ứng hết số trẻ ở độ tuổi mầm non hằng năm. Số nhà nhóm trẻ tư thục trên địa bàn các xã có khu công nghiệp tương đối nhiều, trong đó nhiều nhà, nhóm trẻ vượt quá sĩ số quy định. Huyện mong muốn các nhà, nhóm trẻ đủ điều kiện sẽ được nâng cấp thành trường để tiện theo dõi quản lý về mọi mặt, tuy nhiên để phát triển từ nhà, nhóm trẻ lên trường là rất gian nan, chủ yếu do vướng mắc thủ tục đất đai.

Chị Phan Hồng Ngọc, chủ đầu tư Trường mầm non tư thục Thế giới ánh Dương (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho biết, từ nhà, nhóm trẻ tư thục lên trường chủ đầu tư sẽ gặp nhiều áp lực phải vượt qua. Trong đó quan trọng là phải có đất phù hợp quy hoạch giáo dục, cơ sở vật chất đảm bảo quy mô tối thiểu như số phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nhân viên... Một khi đã được công nhận là trường sẽ rất thuận lợi, do tâm lý của phụ huynh bao giờ cũng muốn gửi vào trường hơn là gửi vào nhóm trẻ.

  Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,115,809       1/935