Xã hội

Chỗ dựa của người già

Vừa ăn hết tô cơm do cô Trần Thị Quỳnh Châu đút, bà Trần Thị Đá (90 tuổi, quê TP.HCM) cho hay đã gần 10 năm nay bà được các cô ở Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (Trảng Bom) chăm sóc...

Vừa ăn hết tô cơm do cô Trần Thị Quỳnh Châu đút, bà Trần Thị Đá (90 tuổi, quê TP.Hồ Chí Minh) cho hay đã gần 10 năm nay bà được các cô ở Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân chu đáo.

Bà Trần Thị Đá (90 tuổi, quê TP.Hồ Chí Minh) ăn một cách ngon lành hết một tô cơm to cùng thức ăn khi được cô Trần Thị Quỳnh Châu (Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) phục vụ.
Bà Trần Thị Đá (90 tuổi, quê TP.Hồ Chí Minh) ăn một cách ngon lành hết một tô cơm to cùng thức ăn khi được cô Trần Thị Quỳnh Châu (Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) phục vụ.

Cùng với bà Đá, hiện Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên còn chăm sóc 126 người cao tuổi neo đơn, không nhà cửa hay mắc bệnh nặng ở độ tuổi ngoài 50 đến trên 100 tuổi đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Phó giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên Nguyễn Thụy Bảo Nhu: “Con cái chăm sóc cho cha mẹ già lúc đau yếu đã khó nhọc thì ở đây các cô càng cực hơn vì phải lo cho rất nhiều người. Nhưng có tình thương thì mình sẽ làm được hết thôi”.

* Nơi tình thương hội tụ

Phó giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên Nguyễn Thụy Bảo Nhu cho biết, cơ sở có 9 cô vừa chăm sóc người già vừa làm rẫy, nuôi cá để tạo thu nhập. “Tính bình quân mỗi cô ở đây chăm sóc cho 14 người già. Công việc rất cực nhưng không ai có một tiếng than vì tất cả đều xem đó là trách nhiệm của mình” - bà Bảo Nhu nói.

Một ngày ở đây bắt đầu từ 3 giờ 45 sáng bằng việc các cô nấu nước nóng vệ sinh cá nhân cho các cụ lớn tuổi không còn khả năng tự lo cho bản thân. Sau đó các cô dọn dẹp phòng, đưa mọi người ra sân để tập thể dục, chuẩn bị bữa ăn sáng. Phụ giúp các cô là những người già còn sức khỏe.

Vừa quấn khăn len cho bà Nguyễn Thị Mai (90 tuổi, quê tỉnh Bình Định) người vào cơ sở được 5 năm và bị mù, bà Đinh Thị Bưởi (60 tuổi, quê TP.Hồ Chí Minh) vừa cho hay: “Các cô nhiều việc quá nên mình giúp được gì cho nhau thì làm để các cô đỡ cực. Mọi người ở đây dựa vào nhau mà sống nên đã xem nhau như người thân...”.

Ngoài ra, Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên còn là địa chỉ quen thuộc của các nhóm sinh viên, thanh niên đến từ nhiều nơi chọn làm nơi thể hiện tấm lòng vì cộng đồng. Cùng các bạn đến chuẩn bị bữa cơm và trò chuyện cùng các cụ già tại đây vào ngày 23-9, anh Nguyễn Văn Dũng (22 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa) cho biết anh cùng nhóm bạn đang làm việc, học tập tại TP.Hồ Chí Minh thường xuyên cùng nhau về đây trò chuyện cùng những người già ở cơ sở, giúp các cô chuẩn bị bữa ăn cho mọi người. Người dân sống trong khu vực cũng thường xuyên đem đến cho cơ sở khi là bao gạo, lúc là rau xanh, một số vật dụng khác để cùng lo cho những người già ở đây.

* Đưa người đến cuối đường đời

Bên cạnh nguồn lực từ mạnh thường quân, của các giáo xứ, để có thêm kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ sở, ngoài chăm sóc những cụ già, các cô ở cơ sở còn làm vườn, nuôi cá. Theo bà Nguyễn Thụy Bảo Nhu, cơ sở có 3 hécta đất trồng bắp, rau, bí đỏ, nuôi cá, tất cả các cô đều tham gia gieo hạt, thả cá giống, chăm sóc, thu hoạch. Nhờ nguồn lợi này mà cuộc sống của các cụ ở đây tốt hơn rất nhiều, hoạt động ở cơ sở đảm bảo vận hành trơn tru.

Không chỉ chăm sóc khi sống mà các cô ở cơ sở còn đứng ra lo liệu tang ma cho người già khi họ mất. Qua 25 năm hoạt động, đã có trên 120 người già ở cơ sở này qua đời và được đưa đến nơi an nghỉ sau cùng. Để có nơi chốn cho người già sau khi qua đời, cơ sở đã mua một khu đất cách cơ sở hơn 1km để làm nghĩa trang riêng và tổ chức thăm viếng mộ định kỳ. Nhờ đó mà khi các cụ già đến đây đều yên tâm có người lo lắng cho mình khi nhắm mắt xuôi tay.

 “Tôi không nhà cửa, không người thân. Trước đây nghĩ đến cảnh một ngày nào đó mình sẽ chết ở mái hiên nhà xa lạ không được thừa nhận, tôi tủi thân lắm. Thế nhưng khi vô đây rồi tôi không còn gì lo nữa, sống vui với mọi người” - bà Lưu Thị Lan (80 tuổi, quê TP.Hồ Chí Minh) có 4 năm sống tại cơ sở, chia sẻ.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,116,213       1/937