Theo đánh giá của đa số người dân trong khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành và vùng phụ cận, chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người dân của các cấp, các ngành thời gian qua cơ bản kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng người dân.
Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức sàn giao dịch việc làm cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Mai |
Tuy nhiên, do nhu cầu học nghề đa dạng, một số nghề chưa phù hợp với thực tế phát triển ở địa phương, nên cần có sự linh hoạt hơn trong đào tạo việc làm, hỗ trợ ổn định cuộc sống.
* Không để người dân vùng dự án không có việc làm
Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, thời gian qua, Sở và các đơn vị thuộc Sở đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân vùng Sân bay Long Thành có việc làm, ổn định cuộc sống như: tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối cung - cầu giữa người lao động với các doanh nghiệp tuyển dụng; tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; phối hợp với các trường nghề, cơ sở đào tạo định hướng các ngành nghề và nhu cầu việc làm trong tương lai cho các em học sinh vùng dự án.
Mới đây, Sở đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, Sở Lao động - thương binh và xã hội đang lên kế hoạch tổ chức thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tiếp tục các phiên giao dịch việc làm lưu động; đề xuất nguồn vốn vay ưu đãi để người dân chuyển đổi mô hình làm ăn, đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hợp tác với các trung tâm xúc tiến việc làm để đào tạo nghề cho người dân, đào tạo kỹ năng đi xuất khẩu lao động theo nguyện vọng với mục tiêu “không để người dân vùng dự án không có việc làm”.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai, trong tổng số hơn 5 ngàn hécta đất thu hồi để làm Sân bay Long Thành, Tổng công ty cao su Đồng Nai là đơn vị có diện tích đất thu hồi lớn nhất với hơn 1,8 ngàn hécta. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, năm 2019, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã sáp nhập Nông trường cao su Bình Sơn (thuộc xã Bình Sơn) về với Nông trường cao su Long Thành, vấn đề việc làm cho công nhân cao su trong vùng dự án cũng được tính toán kỹ để không ai bị mất việc làm.
Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh việc đảm bảo việc làm cho công nhân cao su trong vùng thu hồi đất, Tổng công ty cao su Đồng Nai cũng đang xây dựng phương án mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của tỉnh công nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong và ngoài ngành, người dân vùng dự án và phụ cận.
Theo đó, bên cạnh lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến thô cao su, đơn vị sẽ đầu tư mạnh vào chế biến sâu, đầu tư khu công nghiệp, hạ tầng và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong 5 năm tới, Tổng công ty cao su Đồng Nai sẽ chuyển đổi hơn 3,8 ngàn hécta cao su sang đầu tư khu công nghiệp, hạ tầng, dịch vụ có liên quan và 2 ngàn hécta cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sang giai đoạn 2025-2030, công ty chuyển đổi thêm 755 hécta đầu tư phát triển khu công nghiệp, hạ tầng, dịch vụ có liên quan và 3 ngàn hécta làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
* Linh hoạt hỗ trợ việc làm
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), nhu cầu tuyển dụng tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch trong năm 2020 là rất lớn và liên tục tăng trong các năm tiếp theo do các khu công nghiệp đang trong quá trình lấp đầy diện tích. Chỉ tính riêng huyện Long Thành, năm nay, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển trên 20 ngàn người.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp quanh vùng Sân bay Long Thành tuy lớn, nhưng chỉ phù hợp với lao động phổ thông trẻ, còn những người lao động trên 40 tuổi thì có nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề nghiệp vì doanh nghiệp ít tuyển lao động lớn tuổi.
Bà Nguyễn Thị Thế, 42 tuổi (ấp 11, xã Bình Sơn) cho hay, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: cắm hoa, cắt tóc, nấu ăn hoặc việc đi đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học nghề không phù hợp với lao động nông thôn lớn tuổi như bà. Vì vậy, bà Thế cho rằng cần linh hoạt và đa dạng hỗ trợ việc làm cho lao động lớn tuổi ở vùng dự án sân bay. Một số nghề như: chăm sóc hoa và cây cảnh, lao công… phù hợp với lao động lớn tuổi, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp có nhưng người lao động khó tìm việc do thiếu kinh nghiệm hoặc chưa qua đào tạo. Cho nên cần hỗ trợ vốn cho người dân chuyển đổi công việc. Bên cạnh đó, các trường cũng nên định hướng nghề nghiệp phù hợp với vùng sân bay cho các em học sinh để có công việc ổn định gần nhà.
Ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Phó trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án Sân bay Long Thành và vùng phụ cận được các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với bộ phận lao động lớn tuổi, các doanh nghiệp không tuyển dụng, lãnh đạo tỉnh đang tính toán phương án thành lập hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao để những lao động này tiếp tục sản xuất nông nghiệp.
Đối với các trường hợp có nhu cầu học nghề, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ kết nối với các trường, trung tâm đào tạo để dạy nghề cho người dân. Với học sinh chưa đủ tuổi lao động, Sở đề xuất tỉnh hợp tác với Bộ Giao thông - vận tải, Tổng công ty hàng không Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng học các nghề, học ngoại ngữ để khi sân bay đi vào hoạt động, các em có cơ hội việc làm ngay. Ngoài ra, một số trường nghề trên địa bàn huyện Long Thành như: Cao đẳng nghề công nghệ Đồng Nai, Cao đẳng công nghệ cao quốc tế Lilama 2 đã ký hợp tác đào tạo các nghề kỹ thuật chuyên sâu với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, mở thêm ngành nghề mới phù hợp với đặc thù của ngành hàng không cho con em người dân trong vùng dự án.
Ban Mai