Nông dân trồng cây có múi thường kỳ vọng "trúng" vụ Tết vì có thể đảm bảo lợi nhuận cho cả năm, nhất là bưởi Tết thường bán được giá gấp đôi, gấp ba so với các thời điểm khác trong năm.
Nông dân trồng cây có múi thường kỳ vọng “trúng” vụ Tết vì có thể đảm bảo lợi nhuận cho cả năm, nhất là bưởi Tết thường bán được giá gấp đôi, gấp ba so với các thời điểm khác trong năm.
Giá quýt đường hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ảnh: Thu hoạch vườn quýt tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
Nhưng vụ Tết năm nay khó trở thành mùa bội thu cho nông dân trồng cây có múi vì thương lái chậm mua, giá vẫn chưa có biến động nhiều so với ngày thường.
* Giá giảm, vào vụ trễ
Từ đầu năm 2019 đến tận những ngày đầu của năm 2020, nông dân trồng cây có múi buồn nhiều hơn vui vì giá cam, quýt, bưởi thường giữ mức thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do diện tích cây có múi đang tăng lên quá nhanh dẫn đến nguồn cung dư thừa.
Thời điểm này mọi năm, các vườn bưởi, cam, quýt đường đã rộn ràng cảnh thương lái về đặt hàng hoặc bao mua trái cây của nhà vườn để chuẩn bị nguồn cho thị trường Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, giá trái cây có múi vẫn chưa có nhiều biến động, thậm chí giảm so với ngày thường. Nông dân trồng cây có múi lo lắng vì giá thấp, thương lái vẫn “ăn hàng” chậm.
Ông Trần Văn Dương, nông dân trồng cây có múi tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) lo lắng, cùng kỳ năm ngoái, thương lái đã tấp nập về vườn đặt “bao vườn” với giá 30 ngàn đồng/kg; giá đặt bưởi cho những ngày cận Tết Nguyên đán có thể lên đến 40-50 ngàn đồng/kg. Nhưng năm nay, thương lái chỉ đến xem là chính, có mua thì vẫn giữ giá như ngày thường ở mức khoảng 25 ngàn đồng/kg.
Bưởi là loại trái cây “hút” hàng ngày Tết nhưng hiện có nguy cơ “dội chợ”. Trong khi đó với cam, quýt thì đầu ra càng lúc càng khó khăn hơn. Hiện nông dân trồng cam đang lỗ nặng, lợi nhuận cũng giảm nhiều so với trái quýt. Ông Dương so sánh, vài ngày trước, giá cam bán ra chỉ có 5-6 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái; quýt cũng chỉ bán được 18-20 ngàn đồng/kg, tuy có nhích giá hơn so với ngày thường nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. “Cả năm nay, nông dân trồng cây có múi lo nhiều hơn vui vì giá bán thường ổn định ở mức thấp. Hiện nhiều vườn bưởi, cam, quýt vẫn neo đợi với tâm lý phập phồng lo dội chợ vì vài năm trở lại đây, vùng nào cũng đua nhau nhân rộng diện tích cây có múi” - ông Dương nói.
Tăng nhanh nhất vẫn là diện tích cây bưởi. Do nhiều địa phương đều ồ ạt trồng bưởi, nơi nào cũng có bưởi nên thương lái không vội vã bao mua cả vườn như mọi năm.
Áp lực cạnh tranh về đầu ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những nông dân trồng đặc sản bưởi đường lá cam vốn có hạn về diện tích. Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi lâu năm tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, trước đây chỉ vùng Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) mới trồng đặc sản bưởi đường lá cam. Nay nhiều vùng trồng được loại đặc sản này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thương lái chưa vội đặt bao tiêu bưởi Tết như mọi năm. Thị trường tiêu thụ năm nay cũng chậm hơn nên lượng khách lẻ vào tận vườn đặt bưởi Tết cũng giảm mạnh.
Ông Sơn so sánh: “Mọi năm khách đặt tôi làm 600-700 trái bưởi hồ lô để biếu tết nhưng năm nay chỉ có khoảng 200 trái. Mọi năm, tôi để lại khoảng 5 thiên bưởi (5 ngàn trái) để bán lẻ cho khách nhưng với tình hình ảm đạm như hiện nay, tôi dự định chỉ để lại khoảng 2 thiên bán lẻ”.
* Sớm tính đường dài cho đầu ra cây có múi
Cùng nỗi lo như ông Sơn, bà Nguyễn Thị Chín, nông dân ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, vài năm trở lại đây, gia đình bà chuyển đổi khoảng 10 hécta sang trồng bưởi. Trong đó, có khoảng 4 hécta bắt đầu cho thu hoạch. Việc thương lái chậm thu mua, giá thu mua cũng thấp hơn mọi năm không chỉ là nỗi lo riêng của gia đình bà Chín. Theo bà Chín: “Năm nay bưởi thất mùa nên sản lượng chỉ bằng 50% năm ngoái. Mọi năm thương lái đã mua cả vườn từ trước Tết Nguyên đán cả tháng nhưng năm nay họ chỉ mua một phần nhỏ, giá cũng thấp hơn khoảng 200 ngàn đồng/chục so với cùng kỳ”.
Nhà vườn lo lắng vì hiện thị trường bưởi tết vẫn chưa khởi động. Ảnh chụp tại vườn bưởi xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
Lý giải việc giá trái cây có múi thấp, ông Nguyễn Chính Trưởng, thương lái tại xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) dẫn chứng: “Vụ Tết năm ngoái tôi mua bao cả vườn 10 phần thì năm nay chỉ còn 5 phần. Thị trường tiêu thụ chậm hơn nhưng chủ yếu là giờ đâu đâu cũng trồng bưởi nên ngay cả mùa Tết hút hàng mạnh cũng không lo thiếu nguồn cung”. Cũng theo ông Trưởng nhận xét, hiện không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác đều đua nhau trồng cây có múi, tăng nhanh nhất là cây bưởi. Các loại trái cây này hiện chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước nên nguy cơ “dội chợ” do nguồn cung lớn là khó tránh khỏi.
Mở cửa thị trường xuất khẩu được cho là hướng đi lâu dài về thị trường cây có múi. Ông Bùi Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, với riêng trái cam, do Trung Quốc trồng nhiều nên nông dân Việt Nam không nên phát triển thêm diện tích cây trồng này. Riêng trái bưởi, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu và cơ hội xuất khẩu trái cây này còn rất lớn vì nhiều nước khác, nhất là Trung Quốc khó trồng. “Rào cản lớn hiện nay là diện tích lớn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tìm được nguồn cung đạt chất lượng. Nông dân nên liên kết lại, chuẩn hóa quy trình sản xuất đạt cả về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu thì mới có đầu ra ổn định cho trái bưởi” - ông Hoàng nói.
Bình Nguyên