Kinh tế

Ông chủ trẻ và ước mơ xây dựng chuỗi dịch vụ ẩm thực, sức khỏe

Sinh năm 1988, anh Nguyễn Thế Lâm (ngụ phường Tân Hạnh, TP. Biên Hòa) hiện là ông chủ của Văn phòng lữ hành du lịch Harris Tour và 2 cửa hàng cà phê lớn mang thương hiệu La-man ở TP.Biên Hòa. Anh Lâm cũng là người đại diện của nhãn hàng giày dép Puma toàn cầu, phụ trách đơn hàng khu vực Việt Nam và Campuchia.

Anh Nguyễn Thế Lâm lắng nghe góp ý của khách hàng về dịch vụ nước uống của La-man café
Anh Nguyễn Thế Lâm lắng nghe góp ý của khách hàng về dịch vụ nước uống của La-man café. Ảnh:V.Gia

Năng động, biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn để khởi nghiệp, chàng trai trẻ này đang muốn biến La-man thành chuỗi dịch vụ với các dịch vụ cà phê, phở, yoga, cửa hàng thực dưỡng...

* Đi làm rồi mới đi học

Ba mẹ chia tay từ khi anh còn nhỏ, Nguyễn Thế Lâm và 3 chị gái cùng mẹ phải rời huyện Long Thành lên TP.Biên Hòa sinh sống. Dần dần, các chị phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, chỉ còn mình Lâm tiếp tục con đường học vấn để mong đổi đời.

Học xong THPT, Lâm xin vào làm công nhân ở một công ty gia công và xuất khẩu giày dép gần nhà. Đi làm, vừa có thêm tiền lại vừa đỡ đần được cuộc sống của mẹ, cũng là lúc ý chí ham học, muốn có một cái nghề của anh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chàng trai trẻ bèn đăng ký thi vào học lớp quản trị kinh doanh ban đêm của Trường đại học Lạc Hồng để thực hiện khát vọng học hành.

Ban ngày đi làm, ban đêm đi học tập trung rất vất vả nhưng thành quả lại đến sớm.  Năm thứ 2 đại học, Lâm đã được lên làm việc ở khối văn phòng của công ty.

“Vừa học vừa làm là không dễ dàng nhưng tôi may mắn học chung với các anh chị lớn tuổi, đã đi làm nên tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm. Môi trường công ty, môi trường nhà trường cho tôi từ kiến thức đến kỹ năng sống và ngoại ngữ” - anh Lâm cho hay.

Nhờ tấm bằng đại học mà Lâm có cơ hội để thăng tiến, làm đến giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp lớn, rồi sau đó được làm đại diện, phụ trách đơn hàng sản xuất khu vực Campuchia và Việt Nam của hãng giày dép Puma danh tiếng vào năm 28 tuổi. Cùng năm đó, với niềm đam mê du lịch và vốn tiếng Anh lưu loát, anh Lâm thành lập văn phòng du lịch mang tên Harris Tour. Đây là hãng lữ hành chuyên đưa khách du lịch, đặc biệt là khách trẻ khám phá các địa danh ở Việt Nam, thế giới, nhất là châu Âu.

2 năm sau, anh tiếp tục thử nghiệm năng lực bản thân bằng việc đầu tư quán cà phê mang tên La-man Center ở 144 Phan Trung, phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa). La-man là sự giao thoa giữa phong cách Pháp lãng mạn, tinh tế và phong cách cổ điển của Việt Nam. Với không khí ấm cúng, La-man đã nhanh chóng trở thành “điểm hẹn” quen thuộc tại Biên Hòa của nhiều vị khách ở mọi lứa tuổi.

Sau quán cà phê đầu tiên, anh Lâm tiếp tục cho ra đời quán La-man Riverside ở chân cầu Hiệp Hòa (thuộc phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cũng với phong cách cổ điển, lãng mạn Pháp - Việt. Tại đây, thực khách bị ấn tượng bởi không gian trong lành, khung cảnh thanh bình, mộc mạc, nên thơ, vừa cổ kính với nhà gỗ trăm tuổi, vừa êm đềm bên cảnh quan sông nước.

“Cà phê đi vào đời sống của người dân từ khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam. Dần dần cà phê có mặt từ góc khuất đến những nơi sầm uất, từ những người giàu sang đến người lao động, cà phê trở thành thứ gắn kết tinh thần mạnh mẽ. La-man được lập nên để góp phần gìn giữ nét tinh túy ấy của cà phê. Ngoài cà phê, chúng tôi phục vụ đa dạng các loại thức uống khác phù hợp với thị hiếu của giới trẻ” - ông chủ quán Nguyễn Thế Lâm chia sẻ. 

* Ước mơ xây dựng “hệ sinh thái La-man”

Là người bận rộn, đóng nhiều “vai” khác nhau trong cuộc sống, “vai” nào cũng quan trọng nên Lâm rất chú trọng phân chia, quản lý tốt thời gian để đạt hiệu quả cao nhất.

Khách du lịch của văn phòng du lịch Harris tuor do anh Lâm làm chủ.
Khách du lịch của văn phòng du lịch Harris tuor do anh Lâm làm chủ. Ảnh:V.Gia

“Công việc chính, chiếm nhiều thời gian nhất của tôi vẫn là làm việc cho hãng Puma, sau đó còn phải điều hành văn phòng du lịch cũng như 2 quán cà phê lớn. Quản lý hàng chục nhân viên trong khi phần lớn thời gian của tôi dành cho Puma là điều không phải dễ dàng. Nếu không phân chia thời gian, tâm huyết hợp lý thì rất khó để làm việc ở cả ba nơi như vậy” - anh Lâm nhận định.

Từ thành công trước mắt, về lâu dài, anh cho biết sẽ phát triển thương hiệu cà phê La-man của mình thành hệ thống với nhiều quán hơn trong khu vực Biên Hòa cũng như lân cận. Không những thế, mong muốn của anh là đưa La-man trở thành một chuỗi dịch vụ, từ ẩm thực cà phê đến ăn uống, tập luyện thể dục, thể thao nhằm giúp cho khách hàng giữ gìn sức khỏe.

Trước mắt, dự kiến vào cuối năm nay, quán phở đầu tiên thuộc hệ thống La-man phở sẽ được khai trương. Tiếp đó là trung tâm luyện tập yoga La-man trong năm 2020, rồi sau đó mở các cửa hàng bày bán sản phẩm thực dưỡng...

“Trong thời gian tới, hệ thống cửa hàng cà phê La-man sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình phục vụ, pha chế, nâng chất hương vị cà phê, thức uống cũng như mở rộng thêm các cửa hàng khác trên địa bàn. Mục tiêu lớn của tôi là sẽ xây dựng La-man thành chuỗi ẩm thực, thực phẩm, rèn luyện sức khỏe khép kín. Tuổi trẻ bạn có nhiều cơ hội cũng như thừa nhiệt huyết để phát triển và thử sức mình trên nhiều lĩnh vực” - ông chủ trẻ Nguyễn Thế Lâm nói về dự định của mình.

Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,245,932       6/1,201