Kinh tế

Giá xử lý rác: Khó tăng thêm theo yêu cầu của doanh nghiệp

Do các chi phí đầu vào như giá điện, giá nhiên liệu, lương cơ bản... tăng nên các doanh nghiệp tham gia xử lý rác đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh tăng giá xử lý rác thải sinh hoạt thời gian tới.

Phân loại rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào xử lý tại Khu xử lý rác ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: P.Tùng
Phân loại rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào xử lý tại Khu xử lý rác ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: P.Tùng

* Doanh nghiệp kêu khó

Theo Sở Tài chính, năm 2018, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Sở đã đưa ra bảng giá trần theo từng phương pháp xử lý rác áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mức giá trần đối với phương pháp xử lý theo hình thức chôn lấp là 290 ngàn đồng/tấn; xử lý theo hình thức đốt rác là 437 ngàn đồng/tấn và xử lý rác làm phân compost là 496 ngàn đồng/tấn (mức giá chưa bao gồm thuế GTGT). Bảng giá này được áp dụng để các đơn vị đấu thầu xử lý rác áp dụng trong năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, đầu năm 2019, Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi, một trong những đơn vị tham gia xử lý rác đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh tăng mức giá trần xử lý rác áp dụng trong năm 2020 đối với hình thức xử lý rác làm phân compost. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là hiện các chi phí đầu vào xử lý rác tăng lên kéo theo chi phí thực tế trong xử lý tăng cao hơn so với giá trần do UBND tỉnh đưa ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn rác sinh hoạt/ngày, trong số này có khoảng 98% lượng rác được thu gom đưa về các khu xử lý rác để xử lý. Hiện nay, có khoảng 800 tấn rác/ngày vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp, khoảng 1 ngàn tấn rác/ngày được xử lý bằng hình thức đốt và sản xuất phân compost. Trong khoảng 1 ngàn tấn rác được xử lý bằng hình thức đốt và sản xuất phân compost có khoảng 800 tấn rác/ngày, chiếm khoảng 80% được đưa về Khu xử lý rác ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi để xử lý.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi cho biết, hiện nay, khi cập nhật chi phí giá điện, nhiên liệu, mức lương cơ bản của công nhân..., đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp sản xuất phân compost trên thực tế là hơn 551 ngàn đồng/tấn (chưa bao gồm thuế GTGT). “Mức giá này tăng hơn 11% so với mức giá trần do UBND tỉnh phê duyệt. Điều này đang gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty” - ông Trần Anh Dũng cho biết.

Cũng theo ông Trần Anh Dũng, trong năm 2018, khi áp dụng mức giá trần do UBND tỉnh đưa ra, doanh nghiệp cũng đã phải giảm 5% mức giá xử lý so với đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2017. Cụ thể, trong năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá xử lý rác cho công ty ở mức hơn 511 ngàn đồng/tấn (áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2017) và hơn 520 ngàn đồng/tấn (áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2017).

Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp xử lý rác trên địa bàn tỉnh đều “phàn nàn” về mức giá trần do UBND tỉnh đưa ra đối với hình thức xử lý theo phương pháp đốt và xử lý làm phân compost. Đây cũng chính là “rào cản” khiến nhiều doanh nghiệp dù đã lắp đặt xong máy móc nhưng lại không “mặn mà” tham gia đấu thầu tiếp nhận rác để xử lý. 

Ông La Quốc Cường, Giám đốc Nhà máy xử lý rác, Công ty TNHH Tài Tiến, Chủ đầu tư xây dựng Khu xử lý rác Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cho biết, hiện dây chuyền thiết bị phục vụ đốt rác của nhà máy đã được đầu tư xong. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý rác của doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn giá xử lý thấp hơn giá thực tế.

Theo đó, rác sinh hoạt có độ ẩm cao, vào mùa mưa lại ngấm nhiều nước nên làm giảm nhiệt độ của lò đốt rất nhanh. Để có thể đốt, phải sử dụng thêm dầu nhưng trong đơn giá lại không tính chi phí... dầu nên doanh nghiệp không thể tham gia. “Công ty có tham gia 2 đợt đấu thầu xử lý rác trong năm 2019 nhưng không trúng. Đến đợt thứ 3 chúng tôi không tham gia vì đơn giá này không làm được” - ông La Quốc Cường cho hay.

* Giá trần cũng đã... vượt khung

Trước đề nghị của doanh nghiệp, Sở Tài chính đã xem xét và có ý kiến đề xuất UBND tỉnh về mức giá trần xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh áp dụng cho năm 2020. Theo đó, Sở Tài chính đề xuất giữ nguyên mức giá trần hiện tại. “Không thể điều chỉnh tăng mức giá trần lên nữa. Bởi hiện nay, mức giá trần mà tỉnh áp dụng cũng đã vượt khung mức giá xử lý rác do Bộ Xây dựng đưa ra” - ông Lê Văn Thư, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết.

Xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý rác ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: P.Tùng
Xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý rác ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: P.Tùng

Cũng theo ông Lê Văn Thư, hiện nay, mức giá trần xử lý rác thải sinh hoạt của Đồng Nai cũng thuộc nhóm cao nhất cả nước nên rất khó để tăng thêm. “Thực tế, tham khảo giá xử lý rác của nhiều địa phương trên cả nước thì cũng chưa có phương pháp xử lý nào có mức giá trên 500 ngàn đồng/tấn rác” - ông Thư nói.

Theo mục tiêu của tỉnh, đến cuối năm 2019, sẽ giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp xuống dưới mức 30% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới sẽ có thêm khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt từ TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch được đưa về Khu xử lý rác ở xã Quang Trung để xử lý.

Sau khi Sở Tài chính có đề xuất, giữa tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến về mức giá trần xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh áp dụng cho năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh quyết định giữ nguyên giá trần xử lý rác sinh hoạt năm 2018 và 2019 làm giá trần cho năm 2020.

Việc giữ nguyên mức giá trần thấp hơn so với chi phí xử lý thực tế theo tính toán của doanh nghiệp làm nảy sinh nguy cơ thiếu hụt đơn vị tham gia xử lý rác thải sinh hoạt trong năm 2020. Bởi khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp sẽ dựa trên chi phí thực tế để đưa ra mức giá thầu. Như vậy, có khả năng mức giá bỏ thầu của doanh nghiệp sẽ cao hơn mức giá trần do UBND tỉnh quy định và không trúng thầu.

Trước thực tế này, ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) cho rằng, mức giá xử lý rác mà doanh nghiệp đưa ra là dựa trên tính toán các chi phí của doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ làm việc với các doanh nghiệp để đi đến sự thống nhất về mức giá xử lý trên cơ sở các quy định. Qua đó đảm bảo việc xử lý rác đúng mục tiêu của tỉnh đưa ra.             

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,247,345       10/1,193