Kinh tế

Nhiều rủi ro khi ồ ạt tăng đàn vịt công nghiệp

Từ đầu năm 2019, nuôi vịt công nghiệp thu hút nhiều nông dân đầu tư do giá vịt mấy tháng trước luôn ở mức cao và mang lại lợi nhuận tốt. Khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, nhiều người nuôi khi bỏ đàn heo cũng chuyển sang nuôi gà, vịt khiến tổng đàn gia cầm của Đồng Nai tăng mạnh.

Trang trại nuôi vịt công nghiệp cải tạo từ chuồng nuôi heo của một hộ nông dân tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyển
Trang trại nuôi vịt công nghiệp cải tạo từ chuồng nuôi heo của một hộ nông dân tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyển

Tuy nhiên, hiện giá vịt công nghiệp bán tại trại chỉ dao động từ 30-32 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với đầu năm. Với mức giá này, người nuôi vịt đang lỗ vốn, lại đối diện với nguy cơ dịch cúm gia cầm và nhiều dịch bệnh khác gia tăng vào những tháng cuối năm.

* Chuyển từ nuôi heo sang vịt

Theo nhiều người dân nuôi heo, việc chuyển từ trại heo qua nuôi vịt thịt khá thuận lợi do có thể cải tạo chuồng nuôi heo cũ sang trại vịt nên chi phí đầu tư ban đầu không lớn.

Trước đây, trại heo của ông Nguyễn Hữu Trưởng, nông dân xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) có trên 100 heo nái và hàng trăm heo thịt. Dịch tả heo châu Phi lan rộng, ông buộc phải tiêu hủy cả đàn heo và không thể theo nghề cũ. Nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại sau khi tiêu hủy đàn heo, ông đã chuyển đổi sang nuôi vịt công nghiệp.

Để có đầu ra ổn định, nhiều trang trại nuôi vịt công nghiệp với quy mô lớn cần tham gia chuỗi liên kết. Theo đó, nông dân được doanh nghiệp đầu tư vốn theo hình thức cung cấp thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi... Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định. Đây là mô hình đang được các địa phương khuyến khích nông dân đầu tư vì góp phần đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo ông Trưởng, vốn đầu tư cho con giống và cải tạo chuồng heo cũ sang nuôi 2 ngàn con vịt thịt là gần 100 triệu đồng. Với mức đầu tư ban đầu này, nhiều hộ nuôi heo có thể tận dụng, cải tạo khu chuồng cũ để đầu tư nuôi vịt. “Hiện nhiều hộ bỏ nghề nuôi heo tại địa phương đang chuyển sang nuôi gà, nuôi vịt khá nhiều” - ông Trưởng nhận xét.

Cùng là người nuôi heo chuyển đổi sang nuôi gà, vịt, ông Đặng Ngọc Tùng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) lo lắng: “Tôi chọn con gà, con vịt vì có thể tận dụng lại khu chuồng cũ và thức ăn nuôi heo còn thừa”. Hiện đàn gà, vịt của ông Tùng đã gần đến tuổi xuất chuồng. Nhưng cả giá gà ta thả vườn và giá vịt thịt đều giảm xuống dưới giá thành sản xuất khiến ông Tùng rất lo lắng vì trước đã thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi, nay lại đối mặt với nguy cơ thua lỗ khi chuyển sang nuôi gia cầm.

Chỉ ra nguyên nhân gia cầm rớt giá mạnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Cường, chủ trang trại nuôi vịt công nghiệp nhiều năm nay tại xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) cho biết, hiện giá vịt bán tại trại chỉ còn 32-33 ngàn đồng/kg, giảm cả chục ngàn đồng/kg so với đầu năm. Nguyên nhân giá gia cầm rớt mạnh do người nuôi heo ồ ạt chuyển sang nuôi gà, vịt, nguồn cung tăng mạnh khiến gà, vịt liên tục giảm giá, nhiều đợt rớt dưới giá thành sản xuất khiến người nuôi lỗ nặng.

* Rủi ro đầu ra, dịch bệnh

Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy toàn tỉnh hiện có trên 2 triệu con vịt, tăng hàng trăm ngàn con so với đầu năm. Trong đó, mô hình nuôi vịt công nghiệp với quy mô lớn ngày càng thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích, chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều trại nuôi vịt công nghiệp và con số này còn tiếp tục tăng. Do ồ ạt đầu tư nên tại nhiều thời điểm giá con giống tăng cao, cộng thêm chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn, vaccine phòng dịch đều tốn kém nên khi vịt rớt giá, nhiều hộ bị lỗ vốn. “Nhiều hộ đầu tư nuôi vịt theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ về thị trường đầu ra dẫn đến tình trạng cung vượt xa cầu khiến giá bán giảm mạnh” - ông Nguyễn Kim Đoán nói.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, người dân chuyển đổi sang nuôi vịt khá nhiều, nguồn giống khan hiếm khiến giá con giống bị đẩy lên cao. Mặt khác do nhu cầu giống tăng mạnh nên có con giống là người nuôi mua ngay chứ không chọn lọc kỹ như trước. Theo đó, nhiều trại nuôi gặp phải tình trạng vịt bị còi cọc, chậm lớn cũng là nguyên nhân khiến người nuôi vịt bị thua lỗ. Theo ông Trần Văn Quang: “Thời tiết cuối năm thuận lợi cho các loại dịch cúm gia cầm phát triển. Người nuôi phát triển đàn gà, vịt quá nhanh, mật độ nuôi dày càng tăng rủi ro bùng phát dịch bệnh này”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,246,174       1/1,210