Kinh tế

Bảo toàn đàn heo giống để tái đàn sau dịch tả

Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn hơn 1,5 triệu con, giảm gần 49% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi (ASF). Tuy đa số các doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi đều đã giảm đàn do ảnh hưởng của dịch ASF nhưng nhiều DN trong ngành vẫn nỗ lực hết mình để bảo toàn đàn heo giống và phát triển đàn heo.

Trang trại heo hậu bị tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên
Trang trại heo hậu bị tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu DN ngành chăn nuôi phải nỗ lực tham gia tái đàn heo để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm. Trong đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN bảo toàn và phát triển đàn heo giống vì đây là cơ sở để tái phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

* Nỗ lực giữ đàn giống gốc

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh ghi nhận, thời gian qua, các DN đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ đàn heo nên hầu hết heo bị tiêu hủy do dịch ASF trên địa bàn tỉnh là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thực tế kiểm tra hoạt động của các trang trại lớn của DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, cho thấy các DN đều thực hiện rất tốt công tác an toàn sinh học. “Tổng đàn của Đồng Nai và của cả nước đều giảm mạnh nên thời gian tới, rất mong các DN quan tâm đến các giải pháp tái đàn, tăng đàn heo để ổn định lại ngành chăn nuôi” - ông Vinh nói.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, khó khăn chủ yếu của các DN trong ngành chăn nuôi khi đầu tư dự án mới là về quỹ đất, thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn… Các địa phương và sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ DN, người chăn nuôi tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh tái đàn. Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mức cho những DN quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi heo theo hướng bền vững vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), gần đây đàn heo của DN giảm rất nhiều, trong đó có đàn nái. Cụ thể từ 6 tháng nay, các trang trại heo nái của C.P không nhập heo hậu bị vào để thay thế. Hiện DN đang có nhiều trang trại nuôi heo nái tại miền Nam hoạt động ổn định. Dự định C.P sẽ thay đàn heo nái nhưng gặp khó khăn do hiện việc vận chuyển heo đều phải qua các trạm kiểm dịch nơi cả heo giống, heo thịt đều tập trung lại, gây rủi ro lớn về dịch bệnh. Ông Tiến đề xuất giải pháp riêng với con giống, địa phương nên có đường kiểm dịch khác ngay tại trại nhằm bảo vệ đàn giống trước nguy cơ nhiễm dịch ASF.

“C.P cũng đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho người chăn nuôi là khách hàng mua giống, thức ăn, thuốc… về quy trình phòng, chống dịch ASF, nhất là trong việc tái đàn” - ông Tiến nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, DN có kế hoạch tăng lên trên 5 ngàn heo nái nhưng khi xây dựng đến 3,5 ngàn heo nái thì tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch ASF.

Từ khi xảy ra dịch ASF đến nay, hầu như không DN nào nghĩ đến chuyện tăng đàn hậu bị nên trong những tháng cuối năm khó có thể tính chuyện tăng đàn heo vì không đủ nguồn con giống. Để khôi phục lại tình hình chăn nuôi trong thời gian tới cần dựa vào các DN lớn cung cấp về nguồn giống. Ông Tường kiến nghị: “Tỉnh nên tính toán từ bây giờ về việc ưu tiên cho các DN lớn đủ điều kiện đầu tư cho ngành sản xuất giống, từ đó có nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo thịt. DN mong tỉnh quan tâm gỡ những vướng mắc về đất đai, thủ tục để DN tiếp tục một số dự án đầu tư mới trong những năm sau”.

* Cần “chuyên nghiệp hóa”

Góp ý cho giải pháp giữ và phát triển đàn heo trong và giai đoạn hậu dịch ASF, nhiều DN trong ngành chăn nuôi cho rằng ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. 

Trại heo giống của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: B.Nguyên
Trại heo giống của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: B.Nguyên

Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại Khu công nghiệp Long Khánh, TP.Long Khánh) chia sẻ, chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại heo theo hướng hiện đại, tổ chức phòng thủ như một “khu căn cứ quân sự” cấm ra, cấm vào lại phát huy tác dụng như khi xảy ra dịch ASF. DN mong tỉnh ban hành văn bản cho phép xây trại chăn nuôi heo mới ở những khu vực đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn heo, bù đắp vào lượng heo giảm do chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch ASF.

Đưa ra một góc nhìn khác, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) đề xuất, hiện mật độ chăn nuôi của Đồng Nai rất dày nên các trại giống đều được đầu tư ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng Nai nên tập trung phát triển các trại heo thịt vì gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh. Tỉnh nên khuyến khích phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ cho tái đàn ở những khu vực người chăn nuôi đã đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty một thành viên Tấn Do (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn heo nái vì đây là bài toán đầu tư lâu dài với sự chuyên nghiệp cao. Tỉnh nên tạo điều kiện cho DN tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư ưu đãi để phát triển đàn heo nái, sản xuất giống heo con cung cấp cho người chăn nuôi. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,279,054       14/1,059