Kinh tế

Doanh nghiệp địa phương: Loay hoay tìm kênh bán hàng

Bên cạnh một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai thì hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng tiêu dùng của Đồng Nai là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sản xuất sữa tươi thanh trùng tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa)
Sản xuất sữa tươi thanh trùng tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh:L.Phương

Nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn đang loay hoay trong việc phát triển các hệ thống phân phối, đưa hàng hóa vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ…

* Khó vào siêu thị

Hiện tại, hàng hóa muốn vào siêu thị không đơn giản bởi các tiêu chí đặt ra rất khắt khe, đặc biệt về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mặc dù nhiều siêu thị trong nước vẫn đang có chính sách khuyến khích hàng hóa địa phương. Đại diện Co.opmart Biên Hòa cho biết, mục tiêu của đơn vị là phải có 30% hàng vào siêu thị có nguồn gốc từ địa phương nhưng đến nay vẫn khó đạt.

Đối với hệ thống phân phối, hàng hóa, nông sản trong và ngoài tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào những chương trình giao thương, kết nối hàng hóa, sản phẩm địa phương với TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Đồng thời, phát triển những kênh tiêu thụ mới, các cửa hàng tiện ích, cũng như nâng cấp, xây dựng thêm các chợ khu vực nông thôn để tạo thêm đầu ra ổn định, bền vững cho hàng hóa địa phương.

Co.opmart có mặt ở Đồng Nai đã hơn 12 năm, song nghịch lý là trái cây của tỉnh ít vào được, dù tỉnh là địa phương có chủng loại trái cây phong phú. Do đó, siêu thị kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, thực hiện đúng các tiêu chí cơ bản để có thể đưa hàng vào siêu thị.

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh, hiện nay các sản phẩm địa phương được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chủ yếu là các loại thực phẩm, nông sản, trái cây, một số loại đặc sản... Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm vẫn là “sân chơi” mà các thương hiệu lớn của những công ty đa quốc gia chiếm ưu thế.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tuy sản lượng tiêu thụ ở các siêu thị không cao, song bù lại khi vào siêu thị sẽ được quảng bá hình ảnh rộng rãi hơn vì ở đó sản phẩm của doanh nghiệp được bày bán trong một hệ thống, mức độ phổ biến hình ảnh sẽ tốt hơn. Do đó, đây không những là kênh phân phối mà còn là một kênh quảng bá sản phẩm có nhiều lợi thế.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương, nhất là sản xuất các sản phẩm tiêu dùng trong tỉnh vẫn còn loay hoay trong hoạt động xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu mang tính bền vững, chiếm thị phần trong các siêu thị, hệ thống bán lẻ… Trong đó, có cả những doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành) cho hay, công ty chuyên sản xuất găng tay cao su với sản lượng mỗi năm lên đến 30 triệu đôi nhưng kênh siêu thị hiện chỉ chiếm từ 20-30%. Mặt hàng của công ty hiện đã xuất khẩu đến một số quốc gia và khu vực như Ðài Loan, Hàn Quốc, Mỹ.

Thị trường Việt Nam vẫn chiếm đến 70% tổng lượng hàng hóa nhưng trong số đó, phân phối qua kênh siêu thị chỉ được thị phần rất nhỏ. Nguyên nhân là các siêu thị yêu cầu phải chiết khấu giá bán rất cao, có khi đến 30% giá trị sản phẩm, từ đó đẩy giá sản phẩm lên rất cao khiến hàng rất khó tiêu thụ.         

* Thay đổi để cạnh tranh

Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp địa phương nói riêng sẽ gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.

Gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của Công ty TNHH Nam Long tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2019.  Ảnh:L.Phương
Gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của Công ty TNHH Nam Long tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh:L.Phương

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến nông sản ở huyện Định Quán cho hay, các chi phí về quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được. Điều này khiến cho các doanh nghiệp địa phương phải tính toán, xây dựng phương án kinh doanh, cũng như đầu tư phát triển các kênh phân phối phù hợp.

Bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, bên cạnh tôn chỉ về chất lượng thì hệ thống phân phối tiện lợi để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng là yêu cầu hiện nay của thị trường, các doanh nghiệp sữa ở địa phương phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu sữa lớn ở trong nước và cả những nhãn hiệu sữa ở nước ngoài.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, Sở sẽ tích cực hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với mặt hàng nông sản, Sở dự kiến sẽ phối hợp với các siêu thị tổ chức những chuyên đề về trái cây Đồng Nai cung ứng vào siêu thị, trên cơ sở đó nắm bắt các khó khăn và tìm hướng giải quyết phù hợp.

Lam Phương - Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,281,212       9/1,070