Kinh tế

Còn nhiều khó khăn

Đến nay, tổng số heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi (ASF) trên địa bàn tỉnh đã lên đến gần 213 ngàn con (chiếm trên 11,5% tổng đàn), tăng hơn gấp 2 lần về số lượng so với 2 tuần trước đó.

Tiêu hủy một ổ heo bị dịch tả heo châu Phi tại huyện Vĩnh Cửu
Tiêu hủy một ổ heo bị dịch tả heo châu Phi tại huyện Vĩnh Cửu

Tình hình dịch ASF lây lan nhanh với lượng heo tiêu hủy tăng rất mạnh khiến các địa phương đều gặp khó khăn vì nguồn kinh phí dự phòng không đáp ứng được chi phí xử lý ổ dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Công tác ngăn chặn dịch cũng “khó chồng khó” khi nguy cơ dịch còn tiếp tục lan nhanh.

* Lo thiếu tiền hỗ trợ 

Theo báo cáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh, dự ước tổng số tiền chi hỗ trợ số heo đã tiêu hủy đến thời điểm này khoảng 359 tỷ đồng. Trong khi đó, dự phòng ngân sách của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, ngăn chặn dịch ASF phải tập trung vào 2 giải pháp: công tác tiêu độc, khử trùng để bảo vệ an toàn ở vòng ngoài và an toàn sinh học để bảo vệ an toàn cho trang trại. Với tổng đàn heo tiêu hủy lớn và tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, Sở Tài chính nên cân nhắc lại, con số dự kiến đề xuất thêm 800 tỷ đồng có thể chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương.

Do đó, gỡ khó về nguồn kinh phí đang là nội dung được các huyện tập trung kiến nghị. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, ông Nguyễn Quang Phương cho biết: “Đến nay, huyện đã tổ chức tiêu hủy trên 59,3 ngàn con heo vì dịch ASF. Ước tổng số tiền cần hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 95 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn quỹ dự phòng của cả cấp xã, cấp huyện chỉ khoảng 15 tỷ đồng nên nguồn chi đang bị “âm” rất lớn”.

Với trên 53,5 ngàn con bị tiêu hủy do dịch ASF, số tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại của huyện Trảng Bom đến thời điểm này là khoảng 73 tỷ đồng. Theo ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom: “Nguồn quỹ dự phòng của huyện có 10 tỷ đồng, sau khi chi tiền hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng cho 48 hộ chăn nuôi thì nguồn quỹ này chỉ còn gần 3 tỷ đồng. Hiện các xã trình lên cần thêm 66 tỷ đồng hỗ trợ cho 370 hộ chăn nuôi bị thiệt hại; mong tỉnh quan tâm gỡ khó cho địa phương về nguồn kinh phí”. 

Giải đáp những phản ảnh khó khăn của địa phương về nguồn kinh phí cho công tác xử lý ổ dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi, đại diện của Sở Tài chính cho biết, quy định trong hỗ trợ dịch ASF, các huyện chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để chi hỗ trợ.

Trường hợp thiếu nguồn kinh phí thì báo cáo lên cấp tỉnh để bố trí nguồn dự phòng của tỉnh. Nhưng hiện kinh phí dự phòng của tỉnh cũng chỉ còn 192 tỷ đồng, không đủ nguồn chi. Trên cơ sở rà soát con số dự ước hỗ trợ dịch ASF tại các địa phương, Sở Tài chính sẽ đề nghị Bộ Tài chính cấp cho Đồng Nai khoảng 800 tỷ đồng chi cho công tác xử lý dịch ASF và hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.

* Ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua nguồn nước

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: “Dịch ASF đang lan rất nhanh. Thời gian qua, tình trạng heo chết thả trôi theo suối Cầu Quang, từ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) về Biên Hòa xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn dịch ASF lây lan”.

Tổ chức tiêu độc, khử trùng tại 1 trại heo trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu bị dịch tả heo châu Phi
Tổ chức tiêu độc, khử trùng tại 1 trại heo trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu bị dịch tả heo châu Phi

Đến nay, 10/10 xã, thị trấn của huyện Thống Nhất đều có ổ dịch ASF với trên 24 ngàn con heo bị tiêu hủy. Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý nguồn nước đang là nguyên nhân gây lây lan dịch, ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Huyện đã rải 15 tấn vôi bột để sát trùng nhiều con suối trên địa bàn huyện. Chính quyền địa phương cũng tập trung xử lý 55 cơ sở chăn nuôi ở khu vực suối Tam Bung (con suối đổ nguồn nước ô nhiễm ra sông La Ngà) không để các chuồng trại chăn nuôi này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường”. Huyện Thống Nhất cũng yêu cầu các trại chăn nuôi trên cam kết không được tái đàn; hộ nào còn vi phạm xả thải ra môi trường đều bị xử phạt hành chính và hiện đã có 12 hộ tạm ngưng chăn nuôi. 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang khẳng định: “Ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các nội dung phòng dịch. Trong đó, việc tổ chức tiêu độc, khử trùng bằng vôi tại khu vực đầu nguồn các suối trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Trong đó, các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu... đều đang rà soát lại các con suối, ao hồ có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi để kịp thời xử lý”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận xét, chỉ trong 2 tuần trở lại đây, tổng lượng heo bị tiêu hủy tăng hơn gấp đôi, nhất là dịch ASF phát tán rất nhanh khi lây đến các xã, huyện có chăn nuôi tập trung.

Ngoài ra, việc thả heo chết ra các con suối gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã phê bình lãnh đạo huyện Trảng Bom thiếu quan tâm trong công tác phòng dịch khi để dân vứt heo chết ra suối để trôi sang địa phương khác mà không kịp thời xử lý. Huyện Trảng Bom phải có trách nhiệm tiêu độc, khử trùng con suối có heo chết. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vứt heo chết ra môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc trong công tác dập dịch, quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện về tình trạng này.

 Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,353,594       4/895