Kinh tế

Không dễ kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa online

Với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội như hiện nay, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội như hiện nay, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: Lam Phương
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: Lam Phương

TIN LIÊN QUAN
* Còn gặp nhiều khó khăn

Thưa ông, những vi phạm liên quan đến kinh doanh trực tuyến trong các năm qua diễn ra như thế nào?

- Hiện tại sự phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin rất mạnh mẽ, hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, các tổ chức, cá nhân tham gia thương mại điện tử ngày càng nhiều. Do đó, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn sản phẩm, hàng hóa hoặc giao dịch dịch vụ qua hệ thống thương mại điện tử.

Xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, nhất là mô hình thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Hàng hóa kinh doanh thông qua hình thức ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ngày càng có nhiều trường hợp “biến tướng” về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng nguồn gốc… trong hoạt động thương mại điện tử.

Ông có thể cho biết những khó khăn hiện nay trong việc quản lý, phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực thương mại điện tử đối với cơ quan chức năng, nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường?

- Hiện có rất nhiều hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước, cũng như các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… với đa đạng chủng loại hàng hóa bán qua mạng, quảng cáo bán hàng hiệu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu… Tuy nhiên, với những sản phẩm này, muốn kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không thì còn gặp nhiều khó khăn.

Quá trình phát triển của thương mại điện tử rất nhanh cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội… trong khi trang thiết bị để kiểm tra, rà soát của lực lượng quản lý thị trường chưa tương thích với kỹ thuật, công nghệ mới.

Ngoài ra, hiện danh sách hệ thống các website thương mại điện tử đang vận hành, các trang mạng xã hội hoạt động mua bán hàng online vẫn chưa được cập nhật, đồng bộ. Hệ thống pháp luật và thương mại điện tử đang hoàn thiện dần để tạo ra môi trường kinh doanh thương mại điện tử an toàn. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, quản lý, kiểm tra, kiểm soát thương mại điện tử để hỗ trợ cho các cán bộ quản lý môi trường trên mạng còn ít.

Những yếu tố nêu trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như khiến cho quá trình quản lý, kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn cơ bản nhất vẫn là cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng công tác quản lý thị trường.

* Cần có sự phối hợp

Có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn nói trên không, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội…

Đồng thời, có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử trên thị trường hiện tại; cũng như thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cũng mong muốn có thêm các cơ chế chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cần có sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra, xử lý giải quyết các vấn để liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cần xây dựng nhãn hiệu tín nhiệm trong hoạt động thương mại điện tử để đáp ứng thông tin cho người tiêu dùng và tăng cường trách nhiệm của nhà cung cấp, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên hoạt động thương mại điện tử.

Ông có lưu ý gì đối với người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến?

- Người tiêu dùng nên chọn những trang kinh doanh trực tuyến có uy tín. Trước khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, xem kỹ những quy định đổi trả hàng để cân nhắc khi mua hàng, yêu cầu người bán xuất hóa đơn; xem xét hàng hóa trước khi thanh toán, yêu cầu có hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành…

Xin cảm ơn ông!

Hải Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,353,644       4/895