Kinh tế

Lúng túng làm du lịch vườn

Mùa trái cây hè, nhiều nhà vườn của Đồng Nai hiện đang là điểm hẹn với nhiều du khách. Du lịch vườn phát triển giúp nhà vườn có thêm kênh tiêu thụ nông sản với giá cao, lợi nhuận tốt.

Nhiều loại trái cây đặc sản Đồng Nai được quảng bá tại Ngày hội du lịch Đồng Nai năm 2019
Nhiều loại trái cây đặc sản Đồng Nai được quảng bá tại Ngày hội du lịch Đồng Nai năm 2019

Tuy nhiên, với việc các nhà vườn đổ xô làm du lịch một cách tự phát như hiện nay thì tính bền vững của dịch vụ này vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ.

* Rộ “mốt” về vườn du lịch

Chỉ với 4 sào đất trồng 400 gốc dâu bòn bon (một loại dâu có trái hình dáng tương tự trái bòn bon), nhưng nhờ mở cửa vườn đón khách về tham quan, mỗi mùa dâu chín, gia đình ông Lê Văn Hương (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo ông Hương, cứ đến độ tháng 4-5 dương lịch khi mùa dâu chín rộ, có những ngày vườn nhà ông đón cả trăm lượt khách đến vui chơi, chụp hình rồi mua dâu về làm quà. Nhờ khai thác thêm dịch vụ du lịch, thu nhập của nhà vườn cao hơn hẳn so với thời chỉ trồng cây bán trái cho thương lái.

Phát triển du lịch vườn là chương trình khuyến khích của TP.Long Khánh trong vài năm trở lại đây. Nông dân được chính quyền địa phương hỗ trợ trong làm mô hình vườn mẫu; được tập huấn về tổ chức dịch vụ du lịch vườn...

Chia sẻ về cơ hội phát triển du lịch vườn, ông Nguyễn Duy Khánh, chủ nhà vườn Duy Khánh (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) dẫn chứng: “Tôi đầu tư làm mô hình du lịch vườn từ năm ngoái. Điều đáng mừng là mùa trái chín năm nay, lượng khách du lịch đến vườn đông hơn rất nhiều so với năm ngoái. Nhiều nhà vườn đã bắt đầu liên kết lại để có thể đáp ứng được những đoàn khách đông; tổ chức tốt hơn về khâu dịch vụ. Khách đến vườn thưởng thức trái cây và các món ăn miệt vườn đều rất thích và hẹn sẽ quay lại”.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) nhận xét: “Khai thác du lịch vườn đang thu hút rất nhiều nông dân, hợp tác xã quan tâm vì đây là kênh tiêu thụ đặc sản trái cây, nông sản rất giàu tiềm năng. Khó khăn hiện nay là nông dân phải tự xoay xở cả trong việc đầu tư mô hình vườn du lịch cũng như tìm nguồn khách tham quan”.

Mô hình du lịch vườn hiện đang lan rộng khắp Đồng Nai, từ TP.Long Khánh đến các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch như một hình thức cộng thêm mà các nhà vườn chọn làm bên cạnh thu nhập từ việc bán trái cây.

* Lúng túng vì làm kiểu tự phát

Tuy nông dân các địa phương đang đua nhau mở dịch vụ du lịch vườn nhưng mô hình này vẫn đang phát triển một cách tự phát. Đa số các nhà vườn còn khá lúng túng trong khâu quản lý, tổ chức dịch vụ phục vụ khách tham quan.

Khách thăm quan tại vườn trái cây Duy Khánh (TP. Long Khánh)
Khách thăm quan tại vườn trái cây Duy Khánh (TP. Long Khánh)

Chia sẻ khó khăn khi bắt tay vào làm mô hình du lịch vườn, ông Trần Công Tiến, nông dân tại phường Bàu Sen (TP.Long Khánh) cho hay: “Thấy nhiều nông dân tổ chức đón khách về vườn cho lợi nhuận tốt, tôi cũng thử nghiệm mô hình này. Nhưng khi đón khách vào vườn tham quan mà chưa có sự tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp, nhà vườn mất nhiều hơn được. Vì khi những đoàn khách vào vườn tự do hái trái, họ làm gãy cành hoặc ra vào làm ảnh hưởng đến cây trồng và năng suất”.

Cũng theo ông Tiến, các vườn cây mở cửa đón khách hiện theo 2 hình thức, khách mua vé vào tham quan ăn trái chín hoặc có thể đặt mua nguyên cây để thưởng thức tại chỗ và hái đem về. Do chưa có quy hoạch và sự quản lý, dịch vụ đón khách vào vườn mỗi nơi mỗi giá cũng là băn khoăn không nhỏ cho cả nhà vườn và du khách tham quan.

Đánh giá về du lịch vườn đang phát triển này, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) chỉ ra, hiện hàng chục nhà vườn ở xã Bình Lộc đang mở cửa đón khách về vui chơi, giải trí vào mùa trái cây hè. Tuy nhiên, đa số các điểm du lịch vườn chưa được đầu tư bài bản mà vẫn mang tính khai thác những cái sẵn có. “Nông dân làm du lịch vườn chưa được hỗ trợ nhiều trong khâu quảng bá, kết nối để có lượng khách ổn định nên vẫn rất e dè trong đầu tư. Đây cũng là hạn chế lớn để mô hình này phát triển một cách bền vững” - ông Tâm chỉ ra.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Phong thuộc lớp nông dân tiên phong tại xã Bình Lộc đầu tư mô hình du lịch vườn chia sẻ, nếu các nhà vườn chỉ dừng lại ở việc mở cửa vườn đón khách vào thưởng thức trái cây mà không đầu tư thêm nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí khác thì khó giữ chân khách lâu dài. Ông Phong gợi ý: “Để mô hình này phát triển bền vững, nông dân cần sự đầu tư bài bản với số vốn lớn; liên kết lại để tạo ra sự đa dạng, phong phú về sản phẩm cũng như sự chuyên nghiệp về dịch vụ”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,366,681       4/939