Theo tiến độ đã được cam kết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 và đi vào khai thác năm 2021. Mới đây, Công ty Nippon Koei (Nhật Bản) - đơn vị nghiên cứu - đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để xem xét việc tái khởi động nghiên cứu dự án kéo dài tuyến metro số 1.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được gấp rút đầu tư. Ảnh: K.Giới |
2 năm trước, UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã kiến nghị phương án kéo dài tuyến metro số 1 về đến TP.Biên Hòa và tỉnh Bình Dương, điều này cũng được TP.Hồ Chí Minh chấp thuận. Nhóm nghiên cứu của Nhật Bản đã thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án kéo dài tuyến metro số 1.
* Chuẩn bị để sớm khởi công
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể là: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2km đến khu vực Bình Thắng(TX.Dĩ An, Tỉnh Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây; sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa( tỉnh Đồng Nai) và đi trung tâm TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). |
Theo Công ty Nippon Koei, thời gian qua, dự án tuyến metro số 1 kéo dài đã được đơn vị này nghiên cứu sơ bộ, nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên phải tạm dừng. Đến nay, nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên đã cho phép đơn vị tái khởi động dự án này. Nippon Koei đã làm việc với các địa phương (TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương) để thống nhất về chủ trương đầu tư, nhằm tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Ông Yoshiyuki Ishihara, đại diện Công ty Nippon Koei cho biết, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng có ý định tài trợ nguồn vốn cho dự án này, nếu UBND 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đồng ý khởi động lại dự án thì Công ty Nippon Koei sẽ thông báo với JICA và tiến hành cập nhật các thông tin. “Từ nay đến thời điểm tuyến metro số 1 đi vào khai thác, đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với các địa phương làm những thủ tục cần thiết để có thể khởi công được đoạn metro kéo dài này” - ông Yoshiyuki Ishihara chia sẻ.
Công ty Nippon Kioe đề xuất, đoạn metro kéo dài sẽ là một dự án độc lập với tuyến metro số 1 hiện hữu, như vậy các thủ tục đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể là: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2km đến khu vực Bình Thắng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây; sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và đi trung tâm TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần phải tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Cũng theo ông Yoshiyuki Ishihara, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.
* Đồng Nai luôn sẵn sàng
Tại buổi làm việc với Công ty Nippon Koei mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, Đồng Nai vẫn giữ quan điểm như trước đây về dự án kéo dài tuyến metro số 1 đến TP.Biên Hòa và Bình Dương.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được gấp rútthi công. Ảnh: TL |
Lãnh đạo tỉnh phân tích, TP.Biên Hòa hiện có hơn 1 triệu dân và các khu công nghiệp ở đây có rất nhiều công nhân cũng như chuyên gia ở TP.Hồ Chí Minh về đây làm việc. Nhu cầu đi lại giữa 2 TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh là rất lớn. “Quan điểm của tỉnh Đồng Nai về tuyến metro kéo dài đến Bình Dương và Đồng Nai là cần được đầu tư càng sớm càng tốt, vì mang lại hiệu quả vận chuyển hành khách rất cao. Đơn vị tư vấn cũng khẩn trương xác định hướng tuyến để tránh các dự án khác xin đầu tư trùng vào tuyến, không để sau này phải điều chỉnh gây tốn kém, tăng chi phí” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng băn khoăn việc đơn vị tư vấn đề xuất đây là dự án độc lập riêng với tuyến metro số 1 hiện nay liệu có khả thi hay không, bởi đoạn này khá ngắn. Qua đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu trong báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị tư vấn cần làm rõ một số vấn đề như tính đồng bộ công nghệ với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); việc vận hành, kiểm soát vé và kể cả kết nối những tuyến metro sau này không phải công nghệ của Nhật Bản. Nếu không, có thể sẽ tạo ra sự khập khiễng, bởi xây dựng metro không giống như đầu tư đường bộ là khi hoàn tất, các phương tiện giao thông đều có thể sử dụng chung.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài 19,7km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17km đi trên cao. Dự án có tổng vốn đầu tư 47.325 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã triển khai 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị. Dự kiến, tuyến Metro số 1 sẽ cơ bản hoàn thành và vận hành thử nghiệm trước tháng 10-2020 và đi vào khai thác năm 2021. |
Khắc Giới