Kinh tế

Đâu là nông sản thế mạnh của Đồng Nai?

Đồng Nai đã hợp tác với Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) để xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trái xoài Đồng Nai giàu tiềm năng xuất khẩu. Trong ảnh: Một trang trại xoài trồng theo chuẩn xuất khẩu tại huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Trái xoài Đồng Nai giàu tiềm năng xuất khẩu. Trong ảnh: Một trang trại xoài trồng theo chuẩn xuất khẩu tại huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Mục tiêu là nhằm đánh giá và lựa chọn mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh. Qua đó, định hướng và đưa ra giải pháp xây dựng được các chuỗi giá trị, tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả và bền vững cho nông sản chủ lực của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh gợi ý: “Đề án cần tập trung phân tích sâu các sản phẩm lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đặc biệt là những thế mạnh đặc trưng về cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Về sản phẩm chăn nuôi thì con heo, con gà vẫn là vật nuôi chủ lực tỉnh sẽ tập trung phát triển thành lợi thế cạnh tranh”.

* Chọn sản phẩm “mạnh” thực sự

Góp ý cho đề án, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho rằng: “Chọn cây trồng, vật nuôi thế mạnh cho Đồng Nai cần dựa trên tầm nhìn phát triển của những giai đoạn tiếp theo chứ không phải chỉ trên thực trạng hiện nay”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế viết ra là để ứng dụng vào thực tế. Đề án là cái nền chung để từng địa phương căn cứ trên thế mạnh riêng mà chủ động ứng dụng. Trong đó, đầu tư chế biến sâu là định hướng đúng để tạo chuỗi liên kết, phát triển bền vững cho nông sản thế mạnh Đồng Nai. Điều quan trọng là xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân để phát triển toàn diện.

Hiện lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Các loại cây ăn trái như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; nhiều loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch.

Riêng về chăn nuôi, trong việc phát triển chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp quy mô lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Huỳnh Thành Vinh cho rằng đề án cần đưa vào nhóm giải pháp giải quyết việc làm, dạy nghề cho hàng chục ngàn lao động hiện đang tham gia vào chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ lại cho rằng: “Đơn vị tư vấn xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế nên tập trung vào nội dung phát triển về lĩnh vực sơ chế, chế biến cho mặt hàng cây ăn trái đang là thế mạnh của Đồng Nai. Đơn vị tư vấn cũng không nên đưa ra hàng chục đề án, dự án khi triển khai cho các sở, ngành liên quan mà chỉ tập trung vào một số đề án cụ thể của các sản phẩm chủ lực, thế mạnh”.

Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc nhận định: “Đưa cây điều, cà phê làm cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh cần xem lại bài toán hiệu quả vì các cây trồng trên cho thu nhập rất thấp. Nếu căn cứ vào hiệu quả kinh tế thì phải xác định thế mạnh cây trồng của Đồng Nai là nhóm cây ăn trái từ đó chọn cây chủ lực đặc trưng, thế mạnh mới đưa ra các giải pháp đột phá trong phát triển”.

* Cần trở thành trung tâm chế biến, nông sản

TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp chỉ ra, tầm nhìn phát triển nông sản thế mạnh của Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, tỉnh phải thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng.

Cây ăn trái là hiện đang là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp Đồng Nai. Ảnh trái bưởi Tân Triều đã được cấp chỉ dẫn địa lý
Cây ăn trái là hiện đang là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp Đồng Nai. Ảnh trái bưởi Tân Triều đã được cấp chỉ dẫn địa lý

Đồng Nai cũng cần hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Theo đó, đề án đưa ra giải pháp địa phương cần thực hiện trong việc khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng các giải pháp về thị trường, phát triển thương hiệu; xây dựng kênh phân phối và xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng trọng điểm.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,370,776       5/958