Kinh tế

Kẽ hở cho khai thác khoáng sản trái phép

Theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ, khai thác cát, vật liệu xây dựng không giấy phép dưới 50m3 chỉ bị phạt hành chính rất nhẹ. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng khai thác trái phép khoáng sản nhưng chính quyền địa phương lại không thể tịch thu phương tiện.

Theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ, khai thác cát, vật liệu xây dựng không giấy phép dưới 50m3 chỉ bị phạt hành chính rất nhẹ. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng khai thác trái phép khoáng sản nhưng chính quyền địa phương lại không thể tịch thu phương tiện.

Lực lượng chức năng xử lý ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa.
Lực lượng chức năng xử lý ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa.

Hiện nay, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương nhưng khó “trị” được tận gốc.

* Khó triệt tận gốc

Những năm qua, có những thời điểm khai thác trái phép cát, vật liệu xây dựng trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Phú và Biên Hòa. Tỉnh và các địa phương đã vào cuộc, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm tình trạng mới lắng xuống. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 33 có hiệu lực, các đối tượng khai thác cát, vật liệu xây dựng trái phép chỉ sử dụng ghe, xe nhỏ loại dưới 50m3 để khai thác, vận chuyển nên các cơ quan chức năng khi phát hiện được chỉ có thể xử phạt hành chính.

Thời gian qua, các huyện và TP.Biên Hòa đã tiến hành đóng cửa hàng loạt các cảng, bến thủy nội địa không phép để hạn chế việc tiêu thụ khoáng sản trái phép. Riêng TP.Biên Hòa đã buộc ngưng hoạt động 23 cảng, bến thủy nội địa không phép và chỉ còn 25 cảng, bến thủy có phép hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Trung (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Thỉnh thoảng vào đêm khuya, tôi vẫn phát hiện những tàu nhỏ bơm hút trộm cát trên sông Đồng Nai khu vực xã Tân An. Trước đây, họ dùng những tàu lớn để bơm hút cát nhưng giờ họ dùng tàu nhỏ và loại máy hút khá êm để tránh cơ quan chức năng phát hiện”. Việc bơm hút trộm cát đã làm sạt lở lớn 2 bên bờ sông và gây búc xúc cho những hộ dân sống ở ven sông.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Các đối tượng khai thác đất, đá, cát trái phép chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, lễ. Hầu hết ghe bơm hút cát có khối lượng chứa khoảng 20m3 nên khi bắt được cơ quan chức năng chỉ phạt vi phạm hành chính, không tịch thu được phương tiện. Sau khi phạt hành chính, nộp tiền, các đối tượng lại tiếp tục sử dụng ghe bơm hút trộm cát”. Tất cả các địa phương đều đang gặp khó vì quy định trên nên khó “trị” được tận gốc những đối tượng cố tình khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu chia sẻ: “Huyện đã tăng cường lực lượng, thường xuyên kiểm tra những khu vực “nóng” hay xảy ra khai thác khoáng sản trái phép như: xã Sông Trầu, Bắc Sơn, Bình Minh, Hố Nai 3... để xử lý. Tình hình khai thác khoáng sản trái phép có giảm nhưng vẫn còn khá phức tạp, vì các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật chỉ khai thác, vận chuyển dưới 50m3”. Trên địa bàn huyện Trảng Bom không có khai thác cát trái phép, nhưng nổi lên tình trạng khai thác đất, đá dưới hình thức xin cải tạo đất sản xuất nông nghiệp.

* Kiến nghị sửa đổi

Các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa đều kiến nghị tỉnh sớm đề xuất Chính phủ điều chỉnh Nghị định 33 về hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp dưới 50m3 được phép tịch thu phương tiện, tăng mức xử phạt hành chính lên thật cao.

Lực lượng chức năng TP.Biên Hòa bắt giữ ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai.
Lực lượng chức năng TP.Biên Hòa bắt giữ ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai.

Ông Thi Văn Dũng, Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa cho rằng nếu Nghị định 33 không được sửa đổi, TP.Biên Hòa cũng như các địa phương khác rất khó xử lý những đối tượng lách luật, khai thác trái phép khoáng sản. “Biên Hòa đã đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ cho bổ sung: mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp sẽ tịch thu phương tiện đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép dưới 50m3; đồng thời tăng hình phạt với khai thác cát trái phép. Có như vậy mới dẹp yên tình trạng khai thác cát trái phép trên sông” - ông Dũng nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận định, gần đây việc xử lý khai thác khoáng sản trái phép bị trầm xuống là do vướng Nghị định 33. Tới đây, UBND tỉnh sẽ rà soát lại tất cả những vướng mắc các địa phương đang gặp phải trong việc xử lý khai thác khoáng sản trái phép để kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường, Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý, tránh kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Ngày 27-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận 2 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU về tăng cường quản lý khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Ban Nội chính ủy Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp những vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chậm nhất trong tháng 12-2018, để kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung những quy định còn vướng mắc.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,388,001       6/836