Kinh tế

Trồng nấm rơm trong nhà

Bà Nguyễn Thị Liên ngụ xã Suối Trầu (huyện Long Thành) từ chỗ đầu tư trồng nấm rơm trong nhà đã tiến tới thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp xanh nấm rơm xã Suối Trầu để nhân rộng mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao này.

Mô hình trồng nấm trong nhà màng của Tổ hợp tác nông nghiệp xanh xã Suối Trầu được chọn là mô hình điểm giới thiệu tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2018-2023.
Mô hình trồng nấm trong nhà màng của Tổ hợp tác nông nghiệp xanh xã Suối Trầu được chọn là mô hình điểm giới thiệu tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2018-2023.

* Trồng nấm tiết kiệm

Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Trầu, bà Liên luôn trăn trở tìm mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương để chuyển giao lại cho nông dân. Bà Liên kể: “Tôi tổ chức cho nông dân đi nhiều địa phương trồng nấm tại các vùng trồng nấm ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây để học kỹ thuật trồng nấm rơm. Qua tìm tòi, học hỏi, tôi đưa vào thử nghiệm việc trồng nấm rơm trong nhà”.

Bà Liên thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp xanh nấm rơm xã Suối Trầu với 7 thành viên tham gia. Bà Liên đầu tư nhà trồng nấm trên đất của gia đình. Theo bà Liên, một trong những khó khăn lớn nhất trong nghề trồng nấm rơm là phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết nên vào mùa mưa hầu như không trồng được. Ở mô hình này, nấm được trồng trong nhà kín, bên trên phủ bằng màng ny-lông; không trồng trên nền đất phủ rơm như cách làm truyền thống mà thiết kế trồng trên giàn phân thành nhiều tầng. Giá thể trồng nấm dùng nguyên liệu chủ yếu là phế phẩm từ thân cây bông vải, nhanh mục, dinh dưỡng cao hơn mà chi phí nguyên liệu sản xuất lại rẻ. “Với cách làm này, người trồng có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nấm trồng ra không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn có hình thức đẹp, thơm ngon và có thể trữ lâu hơn” - bà Liên nói. 

Bà Liên chia sẻ thêm: “Ưu điểm của mô hình này là rất tiết kiệm diện tích sản xuất. Với 1 căn nhà màng rộng vài chục mét vuông, người đầu tư có thể thu hoạch được vài chục đến cả trăm ký nấm mỗi ngày”.

* Mở cửa hàng rau sạch

Bên cạnh mô hình trồng nấm rơm trong nhà, bà Liên còn tổ chức trồng các loại rau mầm cũng là mô hình nông nghiệp đô thị cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đa dạng thêm dòng sản phẩm rau sạch cung cấp ra thị trường. Để chủ động được đầu ra, bà Liên mở Cửa hàng số 1 Nông Nghiệp Xanh kinh doanh rau, nấm và các loại thực phẩm sạch tại thị trấn Long Thành. 

Bà Liên khoe: “Tổ hợp tác vừa là nhà sản xuất, vừa tổ chức trực tiếp bán hàng mà không qua các khâu trung gian nên sản phẩm bán ra có giá phải chăng. Cửa hàng vừa mở đã thu hút khá đông khách mua”. Nhiều khách mua lần đầu về sử dụng thấy chất lượng đảm bảo đều quay trở lại. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ ổn định mà còn góp phần quảng bá để xây dựng thương hiệu rau sạch Suối Trầu bằng uy tín chất lượng.

Ngoài cửa hàng chính, sản phẩm nấm, rau mầm của tổ hợp tác đang cung cấp cho các cơ sở dịch vụ nấu tiệc, nhà hàng, quán ăn. Bà Liên chia sẻ thêm: “Tôi đang đầu tư mở rộng quy mô nhà trồng nấm. Tổ hợp tác đã tìm được các bạn hàng thu mua sản phẩm tại các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh và một số chợ truyền thống ngay tại địa phương”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,389,723       9/857