Kinh tế

Nhiều dự án lớn: Có tiền, vẫn không thể triển khai

Đồng Nai có trên 10 dự án lớn về giao thông và hạ tầng khu công nghiệp đang triển khai nhưng vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài nên đành chậm trễ.

Đường Trần Phú - đường vào các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, chỉ vì công tác bồi thường kéo dài làm dự án chậm triển khai đường xuống cấp trầm trọng.
Đường Trần Phú - đường vào các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch bị xuống cấp trầm trọng do công tác bồi thường kéo dài làm dự án chậm triển khai.

Các dự án trên hầu hết đã có sẵn nguồn vốn và chỉ đợi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có đất sạch triển khai, song vẫn đang rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

* Mỏi mòn chờ mặt bằng sạch

Nhiều dự án kéo dài mà chưa thể khởi công hoặc khởi công rồi phải để dở dang và đợi như: dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành), tuyến đường kết nối vào cảng Phước An, đường Trần Phú, Khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch), Khu công nghiệp Sông Mây, Hố Nai (huyện Trảng Bom)...

Trong số đó, có những dự án đã bồi thường và giao đất sạch cho chủ đầu được 70-90% nhưng vẫn chưa thể khởi công, vì việc bồi thường thu hồi đất diễn ra kiểu “da beo” nên buộc phải đợi.

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, muốn các dự án triển khai đúng tiến độ thì công tác bồi thường triển khai nhanh và muốn công tác này nhận được đồng thuận của người dân thì giá bồi thường tính toán phù hợp. Tuy nhiên cũng sẽ có một số trường hợp cố tình đòi giá bồi thường quá cao và cố tình không giao đất thì buộc phải thực hiện công tác cưỡng chế để dự án không quá chậm trễ.

Chậm có đất sạch để khởi công khiến dự án kéo dài, vốn thực hiện cũng bị đội lên từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Ông Đỗ Quang Điềm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay: “Dự án tuyến đường kết nối vào cảng Phước An dài gần 5,5km và phải thu hồi gần 26 hécta đất của 132 hộ. Đến thời điểm này đã hoàn thành bồi thường 125 hộ, chỉ còn 7 hộ với diện tích 0,3 hécta chưa đồng ý nhận tiền bồi thường nên dự án chưa khởi công được”.

Dự án này bị kéo dài và số vốn đã đội thêm hơn 40 tỷ đồng so với dự tính ban đầu. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ lên đến trên 341,2 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2018. Đường vào cảng Phước An nếu hoàn thành sẽ giúp vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ra vào cảng nhanh và thuận lợi hơn.

Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cũng bị chậm so với tiến độ khá nhiều vì công tác bồi thường. Chủ dự án ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành cho biết: “Công ty đã nhận được 219 hécta đất sạch nhưng diện tích không liền thửa, vì thế giai đoạn 1 cần gần 65 hécta đất để xây dựng lại không có được. Do đó, vốn đã có sẵn nhưng vẫn chưa thể khởi công xây dựng”.

Cũng theo ông Nam, công ty đã có văn bản kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong thời gian tới để có đất sạch làm hạ tầng giữa 2019 có thể cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất xây dựng nhà xưởng và giữa năm 2020 có nhà máy đi vào hoạt động. Đây là 2 dự án điển hình trong nhiều dự án đang bị chậm lại do bồi thường.

Theo ông Trần Đình Chính, Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, trong 86 dự án đầu tư công năm 2018 thì có 16 dự án vướng bồi thường nên giải ngân 8 tháng của năm được 43%. Các dự án kéo dài thường bị đội vốn thêm khá nhiều.

* Băn khoăn giá bồi thường

Nguyên nhân khiến những hộ dân ở những dự án trên chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường quá thấp gây thiệt thòi cho người dân. Đơn cử như Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang mở rộng nhưng còn vướng 25 hộ không nhận bồi thường, dự án phải đợi thêm 4 năm và hiện chủ đầu tư không thể xây dựng kết nối hạ tầng dự án. Theo phản ảnh của các hộ dân có đất phải thu hồi cho dự án trên tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa), giá bồi thường tính từ năm 2015 so với hiện tại quá thấp người dân khiếu nại và không đồng ý giao đất.

Một con đường vào khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch chỉ vì công tác bồi thường kéo dài làm dự án chậm triển khai, đường xuống cấp trầm trọng.
Một con đường vào khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch chỉ vì công tác bồi thường kéo dài làm dự án chậm triển khai, đường xuống cấp trầm trọng.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Hiện có 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất như: Amata, Thạnh Phú, Bàu Xéo, Ông Kèo, Sông Mây, Hố Nai, Long Thành, An Phước nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp”.

Trong đó, có những khu công nghiệp công tác bồi thường kéo dài 5-10 năm chưa xong làm dự án chậm trễ khá lâu. Các khu công nghiệp đóng góp khoảng 30% trong thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ bồi thường các dự án giúp chủ đầu tư xây dựng hoàn thành sớm, góp phần thúc đầy kinh tế phát triển.

Mới đây, trong đợt giám sát về tiến độ thực hiện các dự án, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhận xét: “Rất nhiều dự án lớn của tỉnh chậm tiến độ vì vướng công tác bồi thường, thu hồi đất. Người dân chưa đồng tình chủ yếu do giá đất bồi thường thấp. Mỗi dự án đều phê duyệt mức bồi thường riêng, các địa phương rà soát tính toán cho phù hợp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án”.

Ông Nguyễn Văn Trung (ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) nói: “Người dân không muốn phải di dời để thực hiện dự án vì đời sống bị xáo trộn. Tuy nhiên những dự án giúp cho kinh tế  địa phương phát triển chúng tôi rất ủng hộ. Có điều, giá bồi thường nếu không bằng giá giao dịch ngoài thị trường thì cũng đừng chênh lệch quá lớn,  chúng tôi sẽ nhận tiền bồi thường và giao đất”.                                                             

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,393,765       8/878