Kinh tế

Tạo đột phá từ tập trung vào ngành công nghiệp chế biến

Năm 1989 trở thành Tiến sĩ chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Trường đại học kinh tế Berlin (Đức), TS.Lê Văn Bảy được giữ lại làm giảng viên của trường. Tuy nhiên với mong muốn đem những kiến thức mình học hỏi, nghiên cứu được truyền lại cho sinh viên, doanh nghiệp trong nước, ông đã về nước giảng dạy.

TS.Lê Văn Bảy là cái tên khá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai, vì ngoài giảng dạy những kiến thức mới trong kinh doanh thời hội nhập, ông còn là chuyên gia tư vấn trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, phòng tránh rủi ro trong kinh doanh, logistics... Theo ông, Việt Nam muốn tạo ra những đột phá về kinh tế thì nên tập trung vào ngành công nghiệp chế biến.

* Giá trị gia tăng cho nông nghiệp

 Việt Nam đang nằm trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng thấp. Theo ông, nên làm gì để thêm giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp?

- Đây là câu hỏi đã được Việt Nam đặt ra từ nhiều năm nay và đến nay chúng ta đã có câu trả lời, giải pháp nhưng chưa thực hiện được. Việt Nam luôn tự hào có những sản phẩm nông nghiệp như: gạo, điều, cà phê, tiêu... xuất khẩu hàng đầu thế giới và chiếm tỉ trọng lớn, nhưng thực tế chủ yếu là xuất thô, phải qua nước trung gian không có thương hiệu nên rất ít người tiêu dùng trên thế giới đang dùng nông sản Việt Nam biết rằng sản phẩm này do người Việt Nam sản xuất. Vì xuất thô nên giá rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng rất thấp. Do đó, muốn tăng giá trị cho ngành này tôi nghĩ Chính phủ và các tỉnh, thành nên tập trung vào thu hút đầu tư và có những chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Bởi nông sản sau khi được chế biến sâu, giá trị có thể tăng gấp 4-6 lần. Bên cạnh đó, chúng ta cũng giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, hay hàng hóa không bán được phải giải cứu.

 Doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến còn ít có phải do chính sách chưa đủ hấp dẫn trong khi rủi ro từ ngành này khá cao?

- Theo tôi, những năm gần đây Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận được các ưu đãi do thủ tục rườm rà. Để doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư nhiều vào lĩnh vực chế biến nông sản thì phải đơn giản bớt các thủ tục, những chính sách ưu đãi về đất đai, vốn phải dễ thực hiện. Đồng thời, Chính phủ cần giúp doanh nghiệp quảng bá, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ. Việt Nam xuất khẩu nông sản nhiều nhưng rất ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu.           

 Gần đây, vấn đề khởi nghiệp khá sôi động, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp. Nơi nào cũng thấy phong trào dạy khởi nghiệp rầm rộ, ông đánh giá sao về việc này?

- Từ nhiều năm trước Việt Nam đã dạy khởi nghiệp, nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây phong trào này được các địa phương chú ý và tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn. Các tỉnh, thành chú trọng cho công tác khởi nghiệp và thường xuyên có lớp tập huấn cho những người đang có nhu cầu là rất tốt. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung nói đến những thuận lợi, thành công khi khởi nghiệp là chưa đủ, dạy khởi nghiệp quan trọng nhất là chỉ ra cho mọi người thấy sau khi khởi nghiệp thất bại sẽ bắt đầu lại từ đầu như thế nào. Và người khởi nghiệp phải chấp nhận được thất bại không chỉ một lần mà có khi phải nhiều lần mới có cơ hội để thành công.

Điều tôi nhận thấy là các doanh nghiệp Việt rất khó vươn xa vì khâu liên kết còn rất yếu, dẫn đến chuỗi cung ứng sản phẩm thường bị cắt ngắn, khó đến tay người tiêu dùng. Trong khi các doanh nghiệp FDI lại làm rất tốt khâu này nên sản phẩm khi đã nhắm đến thị trường nào thường khó thất bại. Tham gia vào hội nhập sâu muốn vươn ra biển lớn, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt phải học cách liên kết tạo thành chuỗi hỗ trợ lẫn nhau tạo thành những tập đoàn lớn để tăng tính cạnh tranh.

Đồng Nai được xem là vựa trái cây của phía Nam vì có diện tích, sản lượng lớn nhưng xuất khẩu được rất ít và giá cả luôn bấp bênh. Theo ông, Đồng Nai nên làm gì để có đầu ra ổn định?

- Không chỉ ở Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh khác cũng đang gặp phải tình trạng như vậy. Nhiều tỉnh không ngừng xúc tiến thương mại để tìm đối tác xuất khẩu trái cây tươi nhưng đây không phải là giải pháp tốt nhất. Vì sẽ có năm thị trường nhập nhiều, song có năm nhập ít và sản phẩm của chúng ta lại luôn phải đối mặt chuyện dư thừa và giải cứu. Như vậy, chỉ có chế biến sâu tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mới là giải pháp lâu dài và tốt nhất. Tôi đơn cử như trái dừa ở Việt Nam đã khá thành công khi chế biến sâu, tạo ra gần 10 loại sản phẩm khác nhau để tiêu thụ như: kẹo dừa, thạch dừa, dầu dừa và một số loại mỹ phẩm từ dừa.

Với các loại trái cây, ngoài tìm thị trường xuất khẩu tươi, Đồng Nai nên “trải thảm” mời gọi các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư chế biến sâu liên kết với nông dân hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Lúc đó, nông dân chỉ lo sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp có sẵn vùng nguyên liệu để sản xuất, còn  tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước.

* Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn chọn Việt Nam

 Gần đây, dư luận đang tỏ ra lo lắng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng cao nhưng gần 80% thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Liệu khi Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, luồng vốn FDI có dịch chuyển sang những nước có lợi thế hơn?

- Doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào quốc gia nào thường tìm hiểu rất kỹ và những yếu tố quan trọng hàng đầu để chọn đầu tư là lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi về thuế. Nhưng điểm quan trọng nhất trong chọn lựa chính là phải có an ninh - quốc phòng ổn định và điều này Việt Nam làm rất tốt. Theo tôi, lợi thế về lao động giá rẻ ở Việt Nam hiện đang mất dần so với các nước lân cận, nhưng các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam vẫn tăng là vì ngoài an ninh ổn định, tay nghề lao động Việt Nam ở một số lĩnh vực khá cao, năng suất lao động đang được cải thiện. Chẳng hạn như ngành dệt may, giày dép có giá thuê lao động cao hơn một số nước trong khối ASEAN, nhưng lợi thế là các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng nhanh các đơn hàng khó trong thời gian ngắn. Có điều, về lâu dài các doanh nghiệp Việt nên thoát dần việc chỉ gia công vì lợi nhuận lớn nằm ở khâu thiết kế.

 Thiết kế có phải là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt nên có nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất nhiều năm vẫn chủ yếu  là gia công giá rẻ?

- Tôi cho rằng Việt Nam chưa chú trọng đào tạo chuyên sâu cho lĩnh vực thiết kế nên khâu này vẫn còn rất rời rạc và yếu, trong khi giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp phần lớn nằm ở khâu thiết kế. Nếu như các doanh nghiệp có đội ngũ thiết kế tay nghề cao có thể nghiên cứu đưa ra thị trường những mẫu mã sản phẩm đẹp, tiện lợi, khả năng cạnh tranh cao có thể bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi ấy ngoài hưởng giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp còn từng bước xây dựng được thương hiệu của mình. Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu ở thị trường trong nước và thế giới rất ít, nguyên nhân chính là chưa làm tốt khâu thiết kế, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, còn do doanh nghiệp thiếu liên kết. Tôi có nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài thì thấy muốn lớn mạnh sẽ cùng nhau liên kết lại để vươn ra các quốc gia khác và khả năng thành công sẽ cao hơn.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,396,764       6/897